Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia và Trung tâm cảnh báo thời tiết (MWO), vào hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.
Dự báo trong 24h giờ tới (10h ngày 18/9) áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 25km/h, di chuyển vào Biển Đông mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8-9, giật cấp 10.
Đến 10h ngày 19/9 bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h và hoạt động trên khu vực phía Tây Quần đảo Hoàng Sa với cường độ cấp 9, giật cấp 11. Trong 48 đến 72h tiếp theo bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ di chuyển được khoảng 10km.
Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4, Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo Quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Đối với các Cảng hàng không, các Hãng hàng không, các cơ sở cung cấp Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cần tăng cường công tác phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay. Đồng thời cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.
Ngoài ra, các Cảng hàng không, các Hãng hàng không, các cơ sở cung cấp Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cần triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách. Đặc biệt lưu ý tại các cảng hàng không bị ảnh hưởng trong khu vực từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.
Cục HKVN yêu cầu các Cảng vụ hàng không giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các Cảng hàng không liên quan; bảo đảm liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cục HKVN, các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống./.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc thành lập Ban chỉ đạo chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Sáng 10/11, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”.
(CANSO) - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan mới đây đã ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) để triển khai sáng kiến chia sẻ dữ liệu an toàn và thông tin an toàn hàng không khu vực với mục tiêu nâng cao an toàn hàng không khi mà lưu lượng bay đã phục hồi hoàn toàn kể từ Đại dịch Covid-19.