Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025

Thứ Sáu, 07/02/2025 - 09:44 GMT+7

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025.

Theo đó, năm 2025, quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tại các chương trình, đề án, văn bản được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành về công tác cải cách TTHC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Cải cách các quy định TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát quy định TTHC ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, TTHC và phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản QPPL theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ; tổ chức triển khai Chương trình cắt giảm giấy phép tại các Bộ, ngành, địa phương và chuyển một số nhiệm vụ, hoạt động cấp phép cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm giai đoạn 2025 – 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt; rà soát, đơn giản hóa TTHC trong quản lý và triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ; rà soát, xây dựng danh mục kết quả giải quyết TTHC có quy định hiệu lực từ 05 năm trở xuống và đề xuất phương án điều chỉnh…


Trong công tác cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau; giữa các bộ, cơ quan với các Cục, Vụ và tương đương, giữa UBND cấp tỉnh với các sở, ngành; xác định đúng phạm vi, thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đơn giản hóa, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra; rà soát, tái cấu trúc quy trình các TTHC nội bộ trên các lĩnh vực: kế hoạch, chiến lược, nhân sự, tài chính – kế toán, văn thư lưu trữ, tài sản, thi đua khen thưởng, hành chính tổng hợp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Đổi mới việc thực hiện, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; tổ chức triển khai Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần; phấn đấu hết năm 2025 đạt 100 TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định; nâng cấp hạ tầng, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp hoàn toàn trên môi trường điện tử; tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm  các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định.

Chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử gắn với cải cách TTHC

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; rà soát các chế độ báo cáo, bảo đảm chỉ ban hành những chế độ báo cáo thực sự cần thiết, triển khai báo cáo điện tử đối với các chế độ báo cáo trong nội bộ cơ quan, từng bước chuyển sang báo cáo tự động; phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo hướng tới hình thành Hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành của bộ, ngành địa phương kết nối với hệ thống thông tin điều hành của Chính phủ; triển khai Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết nối với Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia; thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số; xử lý hồ sơ, công việc toàn trình trên môi trường điện tử…./.


Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website