Bế mạc Hội nghị COP 29 - Khẳng định chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh

Thứ Tư, 27/11/2024 - 10:38 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sáng ngày (24/11) đã bế mạc sau 13 ngày họp.

Các đại biểu của gần 200 quốc gia tham dự hội nghị đã thông qua được 2 vấn đề quan trọng của mọi hội nghị COP là tài chính khí hậu và hình thành các tiêu chuẩn, nguyên tắc cho thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu dưới sự giám sát của liên hợp quốc. Đặc biệt Hội nghị đã lần đầu tiên thông qua Tuyên bố về Hành động số xanh tại COP 29 đã được thông qua với sự tham gia của tất cả các bên quan tâm vì một thế giới bền vững, xanh, đồng thời tiếp tục đàm phán về hàng không, hàng hải căn cứ theo các báo cáo của ICAO và IMO tại các phiên họp tiếp theo.

(Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị COP 29).


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải, lần đầu tiên Cục HKVN đã cử đại diện tham dự Đoàn đàm phán kỹ thuật của Việt Nam tham dự Hội nghị lần này trong thành phần của Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành là Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Thành phần đoàn Việt Nam gồm có đại diện của các Bộ: Ngoại giao, Tài nguyên và môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và công nghệ, Đài truyền hình Việt Nam…

 

Tại Hội nghị, đại diện của Cục HKVN đã tham dự phiên khai mạc; tham dự Hội nghị của ICAO “Thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch cho hàng không quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững”; diễn đàn “Chứng kiến ​​hành động vì khí hậu qua góc nhìn của thế hệ kỹ thuật số”; Hội nghị “Sức mạnh số và sự đổi mới của ICT tạo nên thành phố NetZero tương lai”; tham dự phiên đàm phán về “Các vấn đề về phương pháp luận theo Công ước: Khí thải từ nhiên liệu sử dụng cho hàng không quốc tế và vận tải biển - Tham vấn không chính thức: SBSTA 14 (b)”; Hội nghị “Chuyển đổi ngành công nghiệp theo lộ trình ứng phó với biến đổi khí hậu 1.5”; phiên đàm phán về “Các vấn đề về phát triển và chuyển giao công nghệ - SBSTA 11/SBSTA 14 (a)”; phiên đàm phán về Chương trình Chiến lược Poznan về Chuyển giao Công nghệ - Tham vấn không chính thức: SBI 14 (c); phiên đàm phán về báo cáo và đánh giá theo Điều 13 của Thỏa thuận Paris: Cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các Bên là nước đang phát triển để báo cáo và xây dựng năng lực; phiên đàm phán về Hướng dẫn về các cách tiếp cận hợp tác được đề cập trong Điều 6, đoạn 2, của Thỏa thuận Paris và trong quyết định 2/CMA.3 - Tham vấn không chính thức: SBSTA 13 (a); tham dự Hội nghị “AI cho khí hậu: vượt qua rào cản để mở rộng quy mô”; tham dự Hội nghị “Chuyển đổi số: Đẩy nhanh việc cung cấp thông qua hành động hợp tác trong lĩnh vực điện, công nghiệp, giao thông và xây dựng”; tham dự Hội nghị: “Phát triển bền vững hàng không: hành trình dài hướng tới một ngành bền vững hơn”; Hội nghị “Tận dụng Mạng lưới Bưu chính để Tác động đến Lượng khí thải Vận chuyển Hàng hóa Toàn cầu”; Hội nghị “Tương lai của nhiên liệu carbon thấp: Thúc đẩy quá trình khử carbon trong các lĩnh vực khó giảm thiểu”; Hội nghị “Một cách thực tế hướng tới tăng trưởng trung hòa carbon trong ngành hàng không quốc tế”; Hội nghị “iLab Transport: Vận chuyển hàng hóa: Xây dựng chuỗi cung ứng đa phương thức có khả năng chống chịu với khí hậu”; “Hội thảo chuyên đề về hàng không về việc mở rộng nhiên liệu hàng không bền vững”; Hội nghị “Bầu trời bền vững”; Hội thảo có tiêu đề "Kích hoạt Nhiên liệu Hàng không Bền vững của Canada (SAF)"; Hội thảo “Giải pháp bền vững trong Logistics hàng không”; Hội nghị “Giảm phát thải carbon trong vận tải: Chính sách và chiến lược cho hàng không dân dụng, hàng hải và vận tải nội địa”; tham dự “Triển lãm hành động vì khí hậu tại sân bay”; Hội nghị “Hàng không quốc tế và biến đổi khí hậu”; Hội nghị “ICCT, SFC, Calstart, Inc.: Thực hiện vận tải không phát thải thông qua chính sách và tài chính”; Hội nghị “KAPSARC, IEEJ: Giảm phát thải carbon trong lĩnh vực vận tải và vai trò của nhiên liệu thay thế”.


(Tham dự phiên đàm phán về hàng không tại COP 29).


Tại COP 29, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã cùng nhau tham dự COP29 với tầm nhìn thống nhất nhằm giảm tác động của các lĩnh vực tương ứng của họ đối với biến đổi khí hậu.

 

Trong khi hàng không dân dụng, vận tải nội địa và vận tải biển phải đối mặt với những thách thức và giải pháp riêng biệt để giảm phát thải khí nhà kính, ICAO và IMO đã chia sẻ một tham vọng chung là chuyển đổi sang công nghệ và cơ sở hạ tầng nhiên liệu carbon thấp hoặc không carbon, và định hình lại giao thông vận tải như một trụ cột của phát triển bền vững và trách nhiệm với môi trường.

 

Tại Hội nghị, ICAO đã báo cáo về việc triển khai nhiên liệu hàng không bền vững, kêu gọi thực hiện Điều 6 và cảnh báo rằng việc đánh thuế hàng không  sẽ ảnh hưởng đến khả năng kết nối và phát triển bền vững đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

 

Trong các phiên đàm phán về “Các vấn đề về phương pháp luận theo Công ước: Khí thải từ nhiên liệu sử dụng cho hàng không quốc tế và vận tải biển - Tham vấn không chính thức: SBSTA 14 (b)”, ICAO đã đệ trình báo cáo của mình với một số nội dung tóm tắt như sau:

Tại Khóa họp lần thứ 41 của Đại hội ICAO vào ngày 1/2/2022, các quốc gia thành viên đã thông qua Nghị quyết Đại hội A41-21 và thỏa thuận lịch sử về mục tiêu tham vọng dài hạn (LTAG) về mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận Paris.

Nhận thấy rằng năng lượng sạch hơn dự kiến sẽ có đóng góp lớn nhất vào việc giảm phát thải CO2 của ngành hàng không hướng tới mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Hội nghị ICAO lần thứ ba về Hàng không và Nhiên liệu thay thế (CAAF/3), diễn ra tại Dubai, UAE vào tháng 11 năm 2023, đã thông qua Khung toàn cầu của ICAO về Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), Nhiên liệu hàng không carbon thấp hơn (LCAF) và các Năng lượng sạch hàng không khác để tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô toàn cầu trong quá trình phát triển, sản xuất và triển khai năng lượng sạch hơn trong hàng không. Để hỗ trợ việc đạt được LTAG, ICAO và các quốc gia thành viên phấn đấu đạt được tầm nhìn toàn cầu chung đầy tham vọng nhằm giảm 5% lượng khí thải CO2 của hàng không quốc tế vào năm 2030, thông qua việc sử dụng năng lượng sạch hơn trong hàng không.

Việc tiếp cận các nguồn tài chính đặc biệt quan trọng đối với việc triển khai SAF và 1,4 nguồn năng lượng sạch khác cho ngành hàng không, vì việc mở rộng quy mô nhiên liệu để hỗ trợ LTAG sẽ cần tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2050.

Báo cáo của ICAO tập trung đánh giá những hiệu quả đạt được của CORSIA, chương trình giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế.

 

Báo cáo của ICAO cũng nêu bật những giải pháp, hướng dẫn của ICAO cho các quốc gia thành viên để hỗ trợ về tài chính, xây dựng chính sách quốc gia với mục tiêu giảm phát thải CO2 bằng 0 của hàng không dân dụng quốc tế vào năm 2050, việc xây dựng các lộ trình quốc gia…

(Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia một phiên toàn thể tại Hội nghị).


Sau khi nghe báo cáo của ICAO, các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, liên đoàn A rập… đều phát biểu nhiều ý kiến, tuy nhiên tựu trung lại đều bày tỏ sự tâm tư, băn khoăn về hiệu lực và tính pháp lý của các biện pháp, chính sách mà ICAO ban hành về giảm phát thải CO2 cho hoạt động hàng không dân dụng nhất là chính sách về nhiên liệu sạch, bền vững. Các quốc gia cũng đề nghị ICAO phải có đánh giá tác động đối với các mục tiêu, đề xuất của ICAO đặc biệt với các quốc gia đang phát triển.

 

Trong các cuộc tham vấn không chính thức của SBSTA, đồng điều phối viên Jakob Wiesbauer-Lenz (EU) và Pacifica Achieng Ogola (Kenya) đã đưa ra dự thảo kết luận của Cơ quan phụ trợ về tư vấn khoa học và công nghệ (SBSTA). Tuy nhiên các bên đã không thể nhất trí về các nội dung sau: “Thừa nhận sự hiện diện của đại diện Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tại phiên họp; yêu cầu các cơ quan này đánh giá tác động của các mục tiêu đề xuất của họ đối với các nước đang phát triển; và tham chiếu đến nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt”.

 

Tại Hội nghị,  Tuyên bố về Hành động số xanh tại COP 29 đã được thông qua với sự tham gia của tất cả các bên quan tâm vì một thế giới bền vững và xanh. Bằng cách thông qua Tuyên bố, các bên đã xác nhận 8 mục tiêu chung: Sử dụng công nghệ và công cụ số cho hành động vì khí hậu; Xây dựng cơ sở hạ tần số bền vững; Giảm tác động của số hóa đối với khí hậu; Thúc đẩy hòa nhập và hiểu biết về số; Đưa ra quyết định dựa trên thông tin;Thúc đẩy đổi mới bền vững;Thực hành tiêu dùng bền vững;Tạo điều kiện chia sẻ các kinh nghiệm triển khai tốt nhất.

 

Tuyên bố COP29 về Hành động số xanh đã nhận được sự chứng thực từ hơn 1.000 chính phủ, công ty, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức quốc tế và khu vực cùng các bên liên quan khác. Có thể nói rằng, tuyên bố này sẽ đóng vai trò là khuôn khổ hợp tác nhằm tăng cường hành động vì khí hậu và tính bền vững, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của quá trình số hóa nhanh chóng đối với môi trường hiện tại và tương lai.

 

Trên cơ sở đánh giá và dự báo tình hình, Cục HKVN đã chủ động ban hành Kế hoạch số 1762/QĐ-CHK ngày 27/8/2023 về việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030 phù hợp với Tuyên bố về Hành động số xanh tại COP 29 đã được thông qua với sự tham gia của tất cả các bên quan tâm vì một thế giới bền vững và xanh.

 

Cục HKVN đã ban hành quyết định số 1820/QĐ-CHK ngày 31/7/2024 về việc thành lập Tổ công tác chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí carbon, khí mê tan của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nhằm tham mưu cho lãnh đạo Cục HKVN chỉ đạo thống nhất về nhân sự, nguồn lực, định hướng cho toàn ngành để tham gia tốt cả các nhiệm vụ về NDC, CORSIA, SAF cũng như kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT khi EU áp dụng chính sách ReFuel EU từ 1/1/2025. Tổ đã tham mưu cho lãnh đạo Cục HKVN chủ động dự báo tình hình và 02 lần báo cáo Bộ GTVT để Bộ báo cáo Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho hàng không Việt Nam (báo cáo số 5355/BC-CHK ngày 9/10/2024 và báo cáo số 5943/BC-CHK ngày 7/11/2024).

 

Các nội dung đàm phán tại Hội nghị trong đó có các nội dung đàm phán về hàng không và hàng hải tại SBSTA 61 (COP 29) sẽ tiếp tục được đàm phán và xem xét tại SBSTA 62 tại Bonn, Đức vào tháng 6 năm 2025./.

 

(Phòng KHCN và MT).

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website