Vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng tại Hàn Quốc ban đầu được xác định là do va chạm với chim, một nguyên nhân phổ biến gây ra các sự cố hàng không trên toàn cầu.
Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ra vụ tai nạn ngày 29/12 chưa được xác nhận, số liệu cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của các vụ va chạm giữa máy bay và chim, trong bối cảnh giao thông hàng không tiếp tục tăng trưởng.
Theo Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA), trong năm 2022, nước này đã ghi nhận 17.190 vụ máy bay va chạm với chim, tăng 10% so với năm 2021, trong bối cảnh hoạt động đi lại bằng đường hàng không nhộn nhịp trở lại sau đại dịch Covid-19.
Các vụ va chạm giữa máy bay dân dụng với động vật hoang dã tại Mỹ đã lên tới 291.600 vụ từ năm 1990 đến năm 2023. Tại Pháp, Cơ quan Hàng không dân dụng ghi nhận 600 vụ máy bay va chạm với chim mỗi năm đối với các chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, các vụ việc nghiêm trọng chỉ chiếm chưa đến 8% trong số đó và có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Theo Nhóm chuyên nghiên cứu và quản lý các mối nguy hiểm liên quan đến động vật hoang dã đối với ngành hàng không của Australia, chưa tính đến vụ tai nạn hôm 29/12, các vụ va chạm với chim đã khiến 250 máy bay trên thế giới bị phá hủy kể từ năm 1988, khiến 262 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ USD về máy bay mỗi năm.
Những vụ va chạm này chủ yếu xảy ra trong quá trình cất và hạ cánh ở độ cao thấp, từ 0 đến 15m. Mặc dù các vụ va chạm ở độ cao hơn thường hiếm gặp, nhưng vẫn có những sự cố nghiêm trọng, như vụ tai nạn của một máy bay du lịch ở Pháp vào năm 2021, khi máy bay va phải một con chim cốc.
Một trong những vụ va chạm đáng chú ý nhất là vào tháng 1/2009, khi phi công điều khiển chiếc Airbus A320 của hãng hàng không US Airways hạ cánh xuống sông Hudson ở New York (Mỹ) sau khi va phải một đàn ngỗng hoang dã, cứu sống tất cả 155 hành khách và phi hành đoàn.
Theo một chuyên gia hàng không, những vụ va chạm với chim trong hầu hết các trường hợp không dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Thường thì thiệt hại chỉ là những vết móp hoặc va chạm nhẹ trên thân máy bay.
Tuy nhiên, nếu chim va phải động cơ, thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều, đặc biệt nếu một con chim lọt vào máy nén, gây hư hỏng và làm động cơ ngừng hoạt động.
Chuyên gia này giải thích thêm rằng trong trường hợp động cơ bị hỏng, máy bay có thể phải hạ cánh khẩn cấp hoặc hoãn cất cánh, nhưng thường không đến mức phá hủy toàn bộ hệ thống thủy lực và điện của máy bay như vụ tai nạn mới đây.
Hơn nữa, khi một động cơ gặp sự cố, máy bay vẫn còn một động cơ để hoạt động. Việc cả hai động cơ đều dừng hoạt động cùng một lúc là điều vô cùng hiếm.
Để tránh những rủi ro liên quan đến chim, các nhà sản xuất máy bay và sân bay đã thực hiện một loạt các biện pháp thử nghiệm và phòng ngừa xung quanh sân bay như phát tín hiệu để xua đuổi các đàn chim./.
(TTXVN/Vietnam+)
Đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã cấm cửa máy bay từ "các quốc gia không thân thiện", buộc máy bay của Liên minh châu Âu phải chuyển hướng, khiến tiêu thụ nhiên liệu và chi phí tăng lên.
Sự cố máy bay KLM đã làm gián đoạn các chuyến bay của khoảng 5.000 hành khách, gây ra tình trạng hủy chuyến và chậm trễ trong suốt cuối tuần qua tại sân bay Torp của Na Uy.
Thông báo trên mạng xã hội X của Japan Airlines nêu rõ vụ tấn công mạng xảy ra vào lúc 7 giờ 24 sáng 26/12 (giờ địa phương, tức 5 giờ 24 sáng cùng ngày, theo giờ Việt Nam).
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt thông tin dự án và bảng theo dõi tiến độ hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với 02 Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 5 và số 6 thuộc Dự án thành phần 4 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.