Tình hình căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã buộc nhiều hãng hàng không quốc tế phải điều chỉnh lịch trình bay, thậm chí tạm dừng hoàn toàn các chuyến bay đến khu vực này. Quyết định trên nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn trước những rủi ro tiềm ẩn.
Hãng hàng không Air Algerie của Algeria đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Liban cho đến khi có thông báo mới. Hãng hàng không quốc gia Ấn Độ Air India cũng tạm dừng khai thác các chuyến bay theo lịch trình đến và đi từ Tel Aviv cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Hãng hàng không Air France ngày 17/9 thông báo do tình hình an ninh tại các điểm đến, hãng sẽ đình chỉ các chuyến bay từ sân bay Charles de Gaulle đến Beirut và Tel Aviv đến ngày 19/9. Hãng hàng không của Pháp này nhấn mạnh sự an toàn của khách hàng và phi hành đoàn là ưu tiên cao nhất.
Hãng hàng không Lufthansa của Đức cũng công bố quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv và Tehran cho đến hết ngày 19/9. Ryanair, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu cũng đã hủy bỏ các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv cho đến ngày 26/10.
Tương tự, hãng hàng không giá rẻ IAG của Tây Ban Nha thuộc sở hữu của IAG Vueling đã hủy các hoạt động đến Tel Aviv cho đến ngày 12/1/2025. Ngoài ra, các chuyến bay đến thủ đô Amman của Jordan cũng bị hủy cho đến khi có thông báo mới. Hãng hàng không quốc gia Ba Lan LOT đã tạm dừng khai thác các chuyến bay đến Liban cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, các chuyến bay đến Tel Aviv hiện vẫn đang được khai thác thường xuyên.
Anh khuyến cáo các hãng hàng không nước này tránh đi vào không phận Liban từ ngày 8/8 đến ngày 4/11, viện dẫn "nguy cơ tiềm ẩn đối với hàng không do các hoạt động quân sự."
Hãng hàng không giá rẻ Easyjet của Anh đã ngừng khai thác các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv vào tháng 4 và sẽ chỉ nối lại hoạt động này vào ngày 30/3/2025. Trong khi đó, hãng hàng không United Airlines của Mỹ cũng tạm thời đình chỉ các chuyến bay đến Tel Aviv trong tương lai gần do lý do an ninh. Tại châu Á, hãng hàng không Cathay Pacific có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã hủy tất cả các chuyến bay đến Tel Aviv cho đến ngày 27/3/2025.
Tình hình tại Trung Đông tiếp tục căng thẳng sau vụ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ tại Liban và Syria gây nhiều thương vong, trong đó có nhiều thành viên của lực lượng Hezbollah ở Liban. Theo giới chức y tế Liban, vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng trong hai ngày qua, trong đó có 2 trẻ em, và khiến khoảng 3.000 người bị thương.
Lực lượng Hezbollah quy trách nhiệm cho Israel đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả. Sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm ở Liban, Hezbollah tuyên bố đã tấn công bằng rocket vào các tiền đồn của Israel ở khu vực biên giới giáp Liban.
Trong khi đó, Israel ngày 19/9 triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu thực hiện các đợt không kích dữ dội nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Hezbollah tại Liban. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường các hành động quân sự chống lại lực lượng Hezbollah./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.