Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ sẽ phải trải qua cả một "chặng đường dài" để có thể xử lý và khắc phục những vấn đề an toàn trong toàn bộ quá trình sản xuất và bảo trì.
Giám đốc Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) - ông Mike Whitaker đã đánh giá như vậy vào ngày 23/5 trong bối cảnh sắp kết thúc thời hạn 90 ngày để Boeing trình kế hoạch khắc phục vấn đề kiểm soát chất lượng.
Hôm 5/1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX do hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) vận hành phải hạ cánh khẩn cấp vì bung một phần thân cabin trong quá trình bay. Vụ việc này không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, FAA vẫn ra lệnh đình chỉ bay đối với một số máy bay 737 MAX của Boeing để kiểm tra về mức độ an toàn.
Ngày 28/2, FAA đã đặt thời hạn 90 ngày để Boeing đưa ra kế hoạch toàn diện nhằm khắc phục vấn đề kiểm soát chất lượng sau sự cố trên. Cơ quan này cũng yêu cầu Boeing không mở rộng hoạt động sản xuất loại máy bay trên.
Tuy nhiên, trả lời hãng tin ABC News ngày 23/5, ông Whitaker cho rằng kế hoạch trên chưa phải là cuối cùng, mà là điểm khởi đầu của cả một chặng đường dài phía trước để Boeing có thể khắc phục được toàn bộ những vấn đề an toàn trong quá trình sản xuất.
Boeing gần đây phải chịu sự giám sát chặt chẽ do một loạt sự cố liên quan các dòng máy bay của hãng làm dấy lên lo ngại về các tiêu chuẩn sản xuất và bảo trì. Sự cố của Alaska Airlines hồi đầu năm có thể do lỗi từ khâu sản xuất, khi thiếu tới bốn chiếc bu lông cố định mảng thân bị bung.
Trước đó, hai vụ tai nạn nghiêm trọng của máy bay Boeing 737 MAX năm 2018 ở Indonesia và 2019 ở Ethiopia được cho là do lỗi thiết kế liên quan đến hệ thống ổn định chuyến bay.
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14/5 thông báo Boeing có thể bị truy tố liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX 8 hồi năm 2018 và 2019 làm tổng cộng 346 người thiệt mạng./.
(TTXVN/Vietnam+)
Theo dự báo vận tải hàng không thế giới năm 2024 của Boeing, số lượng máy bay chở hàng trên toàn cầu có thể đạt 3.900 chiếc vào năm 2043, tăng gần 70% so với 2.340 chiếc trong năm 2023.
Từ ngày 4-12/11 đã có tới 80 chuyến bay bị hủy, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế liên quan đến các đầu điểm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và một số thành phố của Australia.
Động cơ bên phải của chiếc máy bay đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh khiến máy bay phải đổ nhiên liệu xuống biển và quay đầu hạ cánh xuống Sân bay Fiumicino, Italy.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận không làm sân bay dự bị tại Cảng HKQT Cần Thơ trong thời gian thực hiện công tác kiểm định, đánh giá và lập quy trình bảo trì đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng.