Các hãng hàng không châu Âu lao đao vì lệnh cấm bay qua không phận Nga

Thứ Năm, 02/01/2025 - 09:33 GMT+7

Đáp trả các lệnh trừng phạt, Nga đã cấm cửa máy bay từ "các quốc gia không thân thiện", buộc máy bay của Liên minh châu Âu phải chuyển hướng, khiến tiêu thụ nhiên liệu và chi phí tăng lên.

Các hãng hàng không châu Âu đang phải vật lộn với các chuyến bay đến châu Á dài hơn và tốn kém hơn do việc đóng cửa không phận Nga, hệ quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.


Hãng tin RT dẫn nguồn từ Politico Europe cho biết, các nước phương Tây đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga như một phần của các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022.


Đáp lại, Nga đã cấm cửa máy bay từ "các quốc gia không thân thiện", buộc máy bay của Liên minh châu Âu (EU) phải chuyển hướng, dẫn đến tiêu thụ nhiên liệu cao hơn và chi phí tăng lên.


Ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết việc đóng cửa không phận Nga "không liên quan gì đến an toàn hay an ninh", đồng thời khẳng định các hãng hàng không châu Âu đang trở thành "nạn nhân của chính trị".


Các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng đã buộc một số hãng hàng không châu Âu, bao gồm Lufthansa, British Airways và LOT phải đình chỉ một số tuyến đường giữa châu Âu và châu Á. Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc và các hãng hàng không thuộc châu Âu khác đã tăng cường các chuyến bay trực tiếp giữa hai lục địa khi các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến họ.

 
(Máy bay của hãng hàng không British Airways. (Nguồn: British Airways media centre).

Giám đốc điều hành sân bay Berlin, bà Aletta von Massenbach, cho rằng các hãng hàng không châu Âu đang gặp bất lợi về cạnh tranh. Bà lưu ý rằng một hãng hàng không Đức phải đi một tuyến đường khác cho các chuyến bay giữa Berlin và Bắc Kinh so với một hãng hàng không Trung Quốc.


Nghiên cứu gần đây của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức cho thấy các lệnh trừng phạt đã dẫn đến sự gia tăng thời gian di chuyển và chi phí hoạt động cho các hãng hàng không châu Âu, và cuối cùng làm cho giá vé máy bay tăng vọt.


Ví dụ, trên chuyến bay Helsinki-Bắc Kinh của Finnair, khoảng cách bay dài hơn đáng kể đã dẫn đến thời gian bay thêm gần bốn giờ.


Ủy ban châu Âu (EC) đã cam kết sẽ nghiên cứu vấn đề cạnh tranh trên các tuyến đường quốc tế, nhưng ngành hàng không vẫn hoài nghi về sự can thiệp của Brussels.


Thị phần của các hãng hàng không Trung Quốc trên các tuyến đường giữa châu Á và châu Âu đã tăng lên. Hãng hàng không China Eastern Airlines thông báo vào mùa Hè năm ngoái rằng họ đang mở rộng công suất bay tại châu Âu lên 19 tuyến đường và 244 chuyến khứ hồi hàng tuần.


Hãng hàng không China Southern Airlines hiện đang phục vụ 11 điểm đến ở châu Âu. Air China, một trong những hãng vận chuyển chính kết nối Trung Quốc và châu Âu, đang phục vụ 32 tuyến đường và 53 chuyến bay hàng ngày, đã vượt quá công suất năm 2019 là 116%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Vui lòng điền Họ và tên Gửi bình luận
Cùng chuyên mục
Liên kết website