Sự kiện này đã mở đầu cho một giai đoạn trưởng thành phát triển mới đầy hào hùng và vẻ vang của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nói riêng và ngành hàng không dân dụng Việt Nam nói chung.
Mốc son lịch sử
Nhìn lại hành trình lịch sử đã qua, từ năm 1975 sau khi đất nước thống nhất, do điều kiện và hoàn cảnh lịch sử tại thời điểm đó Việt Nam chưa tuyên bố tiếp quản và cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong Vùng thông báo bay Sài Gòn, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực, ICAO đã vạch ra một kế hoạch ứng phó, gồm thiết lập các đường bay giải trợ trên biển Đông và phân chia FIR Sài Gòn thành 3 vùng trách nhiệm tạm thời giao cho 03 trung tâm kiểm soát đường dài Băng Cốc, Xinh-ga-po và Hồng Công điều hành, phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Với chủ trương sáng suốt của Đảng và Chính phủ, với sức mạnh tổng hợp của nhiều bộ, ngành, với sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Hàng không Việt Nam trong đó có sự đóng góp to lớn của cán bộ nhân viên Quản lý bay Việt Nam, sau hơn 18 năm nỗ lực không ngừng tập trung đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật có công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu khuyến cáo thực hành của ICAO, tổ chức huấn luyện đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng đảm bảo kỹ thuật, lực lượng kiểm soát viên không lưu có đủ năng lực tham gia vào dây chuyền điều hành bay quốc tế, vào lúc 0h00 giờ quốc tế ngày 8/12/1994, ICAO đã chính thức giao lại quyền kiểm soát và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh cho Việt Nam quản lý.
Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Quản lý bay Việt Nam, là mốc son vô cùng quan trọng trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao và an ninh quốc phòng. Sự kiện ý nghĩa này mở ra một chặng đường hào hùng, vẻ vang, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Quản lý bay Việt Nam trong sự nghiệp hiện đại hóa và hội nhập với cộng đồng hàng không quốc tế.
Đảm bảo an toàn cho hơn 12 triệu chuyến bay
Năm 1993, Tổng công ty cung cấp dịch vụ điều hành bay cho 13 đường hàng không trong vùng trách nhiệm, trên phạm vi điều hành chủ yếu trong vùng trời lãnh thổ Việt Nam thì đến nay, Tổng công ty đang trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không trong nước và 36 đường hàng không quốc tế. Diện tích vùng thông báo bay của Việt Nam đã mở rộng lên hơn 1 triệu km2, phạm vi hoạt động khắp cả nước. Đặc biệt, FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.
Ngày cao điểm đã có gần ba nghìn chuyến bay đi/đến và quá cảnh của hơn 150 hãng Hàng không trên thế giới thường xuyên hoạt động 24/24 giờ trong vùng thông báo bay của Việt Nam.
Năm 1994, sản lượng điều hành bay chỉ đạt 135.200 lần chuyến, đến năm 2019 sản lượng điều hành bay đã đạt gần 1 triệu lần chuyến bay (tăng gấp 7 lần). Về tổng doanh thu, năm 1994 doanh thu của Tổng công ty chỉ đạt 206,6 tỷ đồng, đến năm 2019 doanh thu đã đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng gần 31 lần so với kết quả của năm 1994. Tốc độ tăng trưởng về sản lượng điều hành bay của Tổng công ty liên tục tăng bình quân từ 8-10%, xếp ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Trong 30 năm qua, VATM đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho gần 12 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm, tổng thu điều hành bay ước đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt hơn 36 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã thể hiện rõ lợi ích kinh tế thu về cho ngân sách Nhà nước từ việc tiếp nhận lại quyền điều hành phần phía nam FIR Hồ Chí Minh.
Viết tiếp truyền thống
Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty là những sản phẩm đặc biệt trong một dây chuyền công nghệ khép kín, phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, không được phép có thứ phẩm. Kể từ khi tiếp nhận lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh, Tổng công ty luôn đáp ứng đúng yêu cầu và thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng của hàng không dân dụng quốc tế trong khu vực.
Trong 30 năm qua, Tổng công ty đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý bay của các quốc gia lân cận, các cơ quan quân sự, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng không và góp phần vào sự phát triển của nền không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là việc hoạch định lại hệ thống đường hàng không và tổ chức vùng trời nhằm tăng năng lực quản lý, khai thác tại các cảng hàng không, sân bay; tập trung thực hiện ưu tiên việc áp dụng các công nghệ mới nhất trong quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay, cũng như áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, quản lý luồng không lưu để tạo ra sự thay đổi căn bản về năng lực của hệ thống.
Đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường hàng không, phương thức bay dựa trên phương thức dẫn đường vệ tinh, thực hiện tổ chức vùng trời, điều chỉnh, phân chia lại các phân khu điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh góp phần tối ưu hóa năng lực thông qua vùng trời, linh hoạt trong việc tổ chức và phối hợp điều hành bay tại sân bay, góp phần làm giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của tàu bay, mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không.
Đến nay, năng lực của các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật của Tổng công ty luôn đạt mức tiên tiến trong khu vực và trên thế giới và cao hơn tối thiểu 1,5 lần lưu lượng và mật độ hoạt động bay thực tế. Kết quả này không chỉ đáp ứng sự tăng trưởng hoạt động Hàng không trong nước, quốc tế mà còn luôn sẵn sàng trợ giúp, phối hợp với các trung tâm kiểm soát không lưu tại các quốc gia liền kề nhằm đảm bảo an toàn hàng không, góp phần vào sự phát triển ổn định của nền không vận trong khu vực châu Á/Thái Bình Dương.
Nhận thức được tầm quan trọng và vinh dự được Nhà nước giao tiếp nhận quản lý, điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, với chức năng nhiệm vụ là nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả các tàu bay hoạt động trên các vùng thông báo bay của Việt Nam, trong suốt 30 năm qua các thế hệ lãnh đạo và cán bộ nhân viên trong Tổng công ty đã luôn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt những cơ hội, nỗ lực vượt qua thách thức, đã và đang cống hiến sức lực, trí tuệ cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nhằm thỏa mãn nhu cầu của hàng trăm hãng hàng không trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền không vận Châu Á -Thái Bình Dương.
Thực tế đã chứng minh từ khi được tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế tin tưởng chấp thuận giao lại cho Việt Nam quyền điều hành phần phía Nam vùng Thông báo bay Hồ CHí Minh, trong 30 năm qua Tổng công ty đã làm nên những thành tích rất đáng tự hào không phụ lòng tin tưởng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, của Đảng và Nhà nước./.
(vatm.vn)
Trong thời gian làm việc tại thành phố Đà Nẵng, ngày 11/12/2024 Đoàn công tác của Đại sứ quán Canada tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Ngày 13/12/2024, tại trụ sở Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), buổi diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) năm 2024 đã được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị phối hợp.
Các hãng hàng không Việt Nam nhận thêm máy bay mới trong tháng này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.