Diễn đàn Khoa học thảo luận về Dự án sân bay Long Thành: “Công khai, khoa học và trách nhiệm”

Thứ Hai, 01/06/2015 - 17:29 GMT+7

 Ngày 1/6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Khoa học thảo luận về Dự án sân bay Long Thành: “Công khai, khoa học và trách nhiệm”. Hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học đồng tình với Dự án mang tính chiến lược trong phát triển vùng kinh tế quốc gia, quốc tế.

Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cùng tham dự Diễn đàn.
 
alt image
 Diễn đàn Khoa học thảo luận về Dự án CHKQT Long Thành 
Đại biểu QH Trần Du Lịch: Tôi chịu trách nhiệm trước cử tri và lần này tôi bấm nút
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn khoa học thảo luận về Dự án CHKQT Long Thành do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức sáng nay, 1/6/2015, TS Trần Du Lịch – đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh đã nghe rất nhiều ý kiến và không có ai bài bác Long Thành. Rất nhiều ý kiến ủng hộ.
"Bản thân tôi cũng đã đi thực tế từng ngõ ngách của sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hoà xem có khả năng mở rộng hay không? Tôi cũng đã đến vị trí sân bay Long Thành xem có được không? Và trách nhiệm của tôi hiện tại là phải bấm nút thông qua chủ trương” – ông Lịch nói.
Cũng theo ông Lịch, khi khảo sát Tân Sơn Nhất, 10h đêm, ông đến một nhà dân ngay sát Tân Sơn Nhất. “Xin thưa rằng nếu mắt mà tinh, đếm được răng cưa trên bánh xe. Tôi mới hỏi người ta ở như vậy sao chịu nổi thì nhận được câu trả lời: Không có cách nào khác thì đành phải chịu vậy thôi” – ông Lịch chia sẻ.
Là người tham gia làm Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong đó có sân bay, ông Lịch cho biết mười mấy, 20 năm trước “đã mơ có một sân bay quốc tế tầm cỡ chứ không phải chỉ có Tân Sơn Nhất”.
“Việc cần phải có một sân bay tầm cỡ là vấn đề không cần phải bàn nữa. Vấn đề đặt ra là làm cách nào, bằng nguồn nào, tính hiệu quả thế nào, phân kỳ đầu tư cho phù hợp” – ông Lịch nhấn mạnh.
 
alt image
"Bản thân tôi cũng đã đi thực tế từng ngõ ngách của sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hoà xem có khả năng mở rộng hay không? Tôi cũng đã đến vị trí sân bay Long Thành xem có được không? Và trách nhiệm của tôi hiện tại là phải bấm nút thông qua chủ trương” – Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch nói
 Liên quan đến báo cáo đầu tư Dự án CHKQT Long Thành trình Quốc hội lần này, ông Lịch đánh giá: Đề án trình Quốc hội khác nhiều lần trước. “Lần trước hướng quá nhiều đến quy mô trung chuyển 100 triệu hành khách, dư luận cho rằng không khả thi. Lần này, Chính phủ chỉ trình chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với 25 triệu hành khách. Quan trọng hơn, vốn trước đây 7,8 tỷ  nay chỉ  còn 5,2 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư đã giảm gần 1/3 trong giai đoạn 1 so với báo cáo đầu tư trước đây” – ông Lịch phân tích.
Về đất cho Dự án, ông Lịch nhất trí với chủ trương của Chính phủ là phải làm quy hoạch mặt bằng cho cả 3 giai đoạn và trước mắt chỉ đầu tư trước một giai đoạn. Với 2.250 ha là đất quốc phòng và đất cho các công trình kinh tế phải tách ra thành dự án riêng chứ không gói vào thành chi phí sân bay. “Tờ trình lần này của Chính phủ đã rạch ròi được điều này” – ông Lịch nói.
"Tờ trình của Chính phủ đề xuất làm trong giai đoạn 2018 – 2025 nhưng theo tôi Tân Sơn Nhất tới 2025 thì quá tải quá nặng nề. Cần làm sớm hơn càng tốt.
Vừa rồi, tôi đi Quy Nhơn vào TP.HCM, chỉ tính thời gian máy bay phải vòng vòng  trên trời chờ xuống không đã mất 30 phút. Quá tải ở đây là quá tải không lưu chứ không đơn thuần chỉ là quá tải nhà ga” – ông Lịch nói và nhấn mạnh: Hơn nữa, chúng ta không thể bay trong giờ dân ngủ được.
Liên quan đến vấn đề bàn thảo về Long Thành, ông Lịch cũng góp ý “đáng lẽ phản biện cho Long Thành thì phải từ lúc làm quy hoạch, tức là cách đây mười mấy 20 năm. Bây giờ mới bàn là làm chuyện của 20 năm trước. Khi đã thành quy hoạch rồi thì triển khai. Chúng ta đang làm ngược”.
Về những e ngại tăng nợ công nếu làm Long Thành, ông Lịch nói: Tôi là người rất lo lắng về nợ công nhưng quan điểm của tôi là vay nợ mà cần phải làm thì vẫn phải vay. Vấn đề là chống được thất thoát, đội giá là dân ủng hộ chứ không ai chống. Người ta chỉ tâm lý lo "phết phảy" khi làm dự án. Nhưng chúng ta cũng không để những suy nghĩ mang tính tâm lý mà ảnh hưởng đến sự phát triển của một vùng kinh tế trọng điểm.
“Tôi chịu trách nhiệm trước cử tri và lần này tôi bấm nút” – ông Lịch khẳng định.
Tiến sỹ Hàng không Lương Hoài Nam: Nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất sẽ sớm quá tải
Theo TS. Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu, việc phản biện đối với Dự án xây dựng CHKQT Long Thành cần xem phải xét đến dự án theo tổng thể quy hoạch trong một quá trình dài, vì đây không phải là một dự án mới, mà là dự án đã trải qua quá trình nghiên cứu hết sức nghiêm túc.
Trên thực tế theo TS. Lương Hoài Nam, hiện quỹ đất sân bay Tân Sơn Nhất còn quá ít. Nếu cố gắng khai thác tối đa có thể gặp phải nhiều vấn đề khó giải quyết được như việc duy trì hoạt động của sân bay 24/24h trong điều kiện tiếng ồn lớn, khi xu thế của nhiều quốc gia đang phải đóng cửa sân bay vào ban đêm.
Mặt khác, TP HCM sẽ rất khó có thể giải tỏa được dân cư để mở rộng thêm CHKQT Tân Sơn Nhất. Hoặc nếu như có thể mở rộng được diện tích sân bay gấp đôi so với hiện nay thì việc kết nối giao thông cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sân bay Biên Hòa vẫn còn nhiễm lượng dioxin rất nặng nên không thể làm sân bay dân sự.
“Tính tổng hòa, nếu bỏ ra 2 - 3 tỷ USD để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ 10 năm sau sân bay này lại quá tải vì hoạt động hết công suất, khi đó mới lại tính đến xây dựng sân bay mới vừa quá muộn sẽ kéo theo sự lãng phí”, TS. Lương Hoài Nam nói.
Theo phân tích của TS. Lương Hoài Nam, khu vực CHKQT Long Thành đã được quy hoạch để hình thành tụ điểm, là nút giao thông đa phương tiện lớn nhất Việt Nam, với sự góp mặt của các tuyến hàng không, nhiều tuyến đường cao tốc và cảng biển tập trung. Hơn nữa, khả năng trung chuyển của CHKQT Long Thành là hoàn toàn có thể phát huy được như đã và đang được thực hiện ở sân bay Nội Bài cũng như sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, TS. Lương Hoài Nam cũng cho rằng, để đảm bảo việc tốt chức năng trung chuyển của CHKQT Long Thành, cần hội đủ các điều kiện về năng lực cạnh tranh quốc tế, năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không và năng lực cạnh tranh của quốc gia về điểm đến du lịch. Trong trường hợp sân bay không có nhiều khả năng trung chuyển vẫn cần tiến hành, nhưng trong xây dựng cần lưu ý có hành lang trung chuyển cho hợp lý, đạt khoảng 15% khai thác đối với một sân bay là rất đáng quý vì khai thác trung chuyển không mất chi phí.
Bàn giải pháp về nguồn vốn đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành, TS. Lương Hoài Nam cho biết, cần nghiên cứu thảo luận và làm rõ về mô hình đầu tư và nguồn vốn, trong đó lưu ý đến các mô hình đầu tư công, đầu tư công tư hoặc cổ phần dự án cũng như xã hội hóa vốn đầu tư vào công trình và các dự án thành phần. Riêng phần đầu tư của nước ngoài cần được sự cho phép của Quốc hội tạo cơ sở để Bộ GTVT có cơ sở tính toán với các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: không có chuyện đóng cửa sân bay Tân Sơn Nhất
 
alt image
 Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn
Trước câu hỏi của đại biểu tham dự diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, chắc chắn sẽ giữ lại CHKQT Tân Sơn Nhất kể cả khi CHKQT Long Thành được đưa vào sử dụng nhằm giải đáp những băn khoăn của dư luận trong thời gian qua.
“Bộ sẽ có nghiên cứu làm sao cho việc đưa vào sử dụng song song hai sân bay đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Trong tất cả các văn bản, chúng tôi đều nói là không có chuyện đóng cửa CHKQT Tân Sơn Nhất”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
P.V (tổng hợp)