Vị trí, vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công” (Điều 99- khoản 1).
Muốn Chính phủ mạnh, trước hết phải có các bộ trưởng “cứng”. Lúc này, bộ trưởng liên tiếp vi hành, cách chức, điều chuyển các quan chức ì ạch, làm việc kém hiệu quả bước đầu tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận và làm gương cho cấp dưới. Nhưng nếu chưa hình thành cơ chế thì buông lơi một chút, lại đâu vào đấy, có nghĩa là người tốt cũng khó phát huy được năng lực của mình trong môi trường “vàng thau” lẫn lộn.
Nhiệm vụ của tư lệnh ngành là đưa ra tầm nhìn, vạch chiến lược phát triển của ngành và kế hoạch tổ chức thực hiện. Người dân mong muốn các bộ trưởng sục sâu hơn nữa vào con người, bộ máy và chính sách, để bớt đi các chuyện vụ việc.
Do vậy, Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: “tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc” ( Điều 99- khoản 1); “ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật”(Điều 100).
Một điểm mới rất quan trọng là tại Điều 99- khoản 2- Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không chỉ chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà còn phải chịu trách nhiệm giải trình trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý của mình./.