Tăng cường giám sát đầu tư và tài chính của Vietnam Airlines

Thứ Ba, 04/08/2015 - 13:11 GMT+7

Sáng 4/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm việc với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) về bảo lãnh bộ hợp đồng thuê mua 4 tàu bay Boeing B787-9 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

alt image
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh phát biểu tại cuộc họp 
 
Đầu tư máy bay chiếm tỷ trọng 90%
Theo báo cáo của Vietnam Airlines, từ năm 2008, Tổng công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội bay đến năm 2020, đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tiền đề cho các hoạt động đầu tư đội tàu bay đến năm 2020 của Tổng công ty.
Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2010 - 2015, Tổng công ty luôn duy trì được hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo toàn được vốn và có lãi, nộp ngân sách duy trì ở mức cao. Bước sang giai đoạn 2016 – 2020 với việc tiếp nhận và khai thác 2 dòng máy bay thân rộng thế hệ mới B787 và A350, cùng với chương trình nâng cấp dịch vụ 4 sao, hiệu quả khai thác đội tàu bay sẽ không ngừng được cải thiện.
Đối với nội dung về giãn tiến độ, phân kỳ đầu tư phù hợp để đảm bảo cân đối dòng tiền và khả năng trả nợ, giảm tỷ lệ phải trả trên vốn chủ sở hữu giai đoạn 2015 – 2020, Kế toán trưởng Vietnam Airlines – ông Trần Thanh Hiền cho biết: Hoạt động đầu tư của Tổng công ty được chia làm 4 mảng chính, trong đó hoạt động đầu tư máy bay chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 90%) và được triển khai từ trước năm 2010. Với kế hoạch sản xuất kinh doanh 2016 - 2020 mới được cập nhật này, Tổng công ty đã chủ động rà soát tất cả các hoạt động đầu tư; chủ động điều chỉnh đội tàu bay sở hữu phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo tính đồng nhất của đội bay, duy trì đội tàu bay khai thác có tuổi đời trẻ và công nghệ hiện đại.
Để nâng cao năng lực tài chính, Vietnam Airlines đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cổ phần hóa Công ty mẹ và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; phấn đấu đạt các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch; cấu trúc lại vốn, tài sản và vay nợ.
 
alt image
Hoạt động đầu tư máy bay chiếm tỷ trọng khoảng 90% các khoản đầu tư của Vietnam Airlines 
 
Sớm niêm yết trên sàn chứng khoán
Hoan nghênh Vietnam Airlines đã chủ động trong việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1190/TTg-KTTH về việc bảo lãnh bộ hợp đồng thuê mua 4 tàu bay Boeing B787-9, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đồng tình với báo cáo của Tổng công ty mà theo đánh giá của Bộ trưởng là “đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như các giải pháp tương đối khả thi”.
Bộ trưởng yêu cầu Vietnam Airlines cần tính toán, cập nhật lại số liệu cho phù hợp, trong đó, đặc biệt lưu ý đến chỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng giao Vụ Quản lý doanh nghiệp thống nhất lại với Vietnam Airlines, có văn bản chính thức để trình Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 1190.
Vụ Kế hoạch đầu tư làm thủ tục phê duyệt kế hoạch phát triển 5 năm của Tổng công ty theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giãn được tiến độ đầu tư, đảm bảo cân đối dòng tiền và khả năng trả nợ. Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng cần tăng cường giám sát tình hình đầu tư và tài chính của Vietnam Airlines để đảm bảo quản lý rủi ro theo quy định Chính phủ và thực hiện theo đúng quy chế giám sát tài chính.
Về phía Vietnam Airlines, Bộ trưởng nhấn mạnh cần khẩn trương đàm phán với các nhà đầu tư để lựa chọn cổ đông chiến lược. Cố gắng làm sao đưa vốn nhà nước xuống còn 65%. Tập trung nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. “Cổ phần hóa là phải thay đổi được bản chất. Cùng với đó cần đẩy mạnh thoái vốn và tập trung cho sản xuất của kinh doanh” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng tình với các phương thức huy động vốn khác của Vietnam Airlines, Bộ trưởng lưu ý từng thời điểm phải cân nhắc các phương thức phù hợp. “Tôi cho rằng tốt nhất là khi chúng ta đã cổ phần hoá xong, cần tính toán niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn, phục vụ mục đích đầu tư phát triển” – Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng cũng giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương nâng cấp hạ tầng sân bay; cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tắc nghẽn trên trời cũng như dưới mặt đất; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phải nâng cao được năng lực điều hành bay; Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo ACV làm việc với Bộ Quốc phòng, các địa phương trong việc quy hoạch, sử dụng hạ tầng hàng không, sân bay; Cục Hàng không Việt Nam đôn đốc ACV báo cáo tiến độ cụ thể việc mở rộng, nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài; triển khai sớm Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nguồn: baogiaothong.vn