Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Thứ Hai, 24/08/2015 - 12:17 GMT+7

 Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để thay thế Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 3/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, hệ thống giao thông vận tải nước ta cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vận tải của xã hội, bảo đảm chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần tại nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Về tổng thể, hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đến năm 2020 vận tải hàng không chủ yếu đảm nhận vận tài hành khách đường dài, quốc tế và hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Phát triển hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới.

Tỷ lệ đảm nhận giữa các phương thức vận tải đến năm 2020 với tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6.240 triệu hành khách, trong đó đường bộ đảm nhận 86,0÷90,0%; đường sắt 1,0÷2,0%; đường thủy nội địa 4,5÷7,5% và hàng không 1,0÷1,7%. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0÷70,0%; đường sắt 1,0÷3,0%; đường thủy nội địa 17,0÷20,0%; đường biển 9,0÷14,0% và hàng không 0,1÷0,2%.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hàng không trục dọc Bắc - Nam, khu vực phía bắc tập trung ưu tiên, nâng cấp đồng bộ, hiện đại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Cát Bi, trong đó Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc. Khai thác an toàn, có hiệu quả có hiệu quả cảng hàng không Điện Biên, khôi phục hoạt động Cảng hàng không Gia Lâm, Nà Sản, Thọ Xuân đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh, Cảng hàng không Lào Cai.

Khu vực miền Trung tập trung nâng cấp đầu tư đồng bộ, hiện đại và khai thác có hiệu quả các Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh. Tiếp tục nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không trung chuyển hàng hóa quốc tế của khu vực. Nâng cấp các cảng hàng không Vinh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu từng thời kỳ. Nghiên cứu phát triển Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế.

Khu vực phía Nam tập trung  nâng cấp đầu tư đồng bộ, hiện đại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, tiếp tục nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo đáp ứng nhu cầu; đảm bảo khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc. Nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không Vũng Tàu. Khuyến khích hợp tác công tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển quốc tế Long Thành.

Về phát triển công nghiệp giao thông vận tải hàng không, đến năm 2020, tăng cường năng lực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, động cơ máy bay và các trang thiết bị chuyên ngành, đảm bảo tự chủ trong việc cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay cho các hãng hàng không trong nước, tiến tới mở rộng dịch vụ cho các hãng hàng không nước ngoài.

Tầm nhìn đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp  lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải dịch vụ được nâng cao, đảm bảo, nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.

Cơ bản hoàn thiện mạng lưới cảng hàng không trong cả nước với quy mô hiện đại. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại, đảm bảo tầm phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ trong toàn bộ vùng FIR của Việt Nam theo đúng kế hoạch không vận của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)…

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; định kỳ cập nhật, đề xuất, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược phát triển giao thông vận tải nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ngành và địa phương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 3/3/2009 phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030./.