Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải hàng không dân dụng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Thứ Bảy, 08/03/2014 - 22:54 GMT+7

 Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


alt image
 
Theo đó, trong lĩnh vực Hàng không dân dụng, định hướng chiến lược phát triển thị trường vận tải là tiếp tục đẩy mạnh năng lực vận tải hàng không song phương và đa phương đối với các thị trường truyền thống khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc, Châu Đại Dương, thúc đẩy kết nối vận tải hàng không đến khu vực Nam Á, các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ). Khẩn trương mở đường bay và tăng cường năng lực vận tải hành khách và hàng hóa trên các đường bay tầm xa đến Châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh và Châu Phi; khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không trung chuyển khu vực đồng thời có chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay tầm xa đến các cảng trung chuyển; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ phát triển hàng hóa và hình thành mạng đường bay chở hàng riêng, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không trung chuyển hàng hóa của khu vực tại Chu lai và có cơ chế ưu đãi để thu hút các hãng hàng không mở tuyến bay chở hàng đến cảng này.
Đối với định hướng chiến lược phát triển phương tiện vận tải hàng không dân dụng, tổng số tàu bay dự kiến đến năm 2020 là 190 đến 210 chiếc, trong đó Tổng công ty Hàng không có 140 đến 150 chiếc (sở hữu 70 đến 80 chiếc), các hãng hàng không khác dự kiến có thêm 50 đến 60 chiếc; tàu bay tầm ngắn khoảng 60 đến 70 chiếc (sở hữu 30-35 chiếc), tàu bay tầm trung 30 đến 35 chiếc (sở hữu 17 đến 20 chiếc), tàu bay  tầm xa từ 20 đến 24 chiếc (sở hữu 10 đến 12 chiếc), tàu bay chở hàng khoảng 06 đến 08 chiếc (sở hữu 03 đến 05 chiếc).

Đến năm 2030, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam có khoảng 230 đến 250 chiếc (sở hữu trên 50%), trong đó tàu bay tầm xa khoảng 25 đến 30 chiếc, tàu bay chở hàng khoảng 15 đến 20 chiếc.

Để thực hiện được các chiến lược nêu trên, các giải pháp chính sách được đưa ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động vận tải nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước, phân định rõ giữa vai trò quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống quy hoạch, định mức kinh tế kỹ thuật cung ứng dịch vụ vận tải; gia tăng và tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Tiếp tục, đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng quản lý bay, đường lăn, sân đỗ, nhà ga nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không hiện có, trong đó ưu tiên mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, đồng thời nhanh chóng xây dựng giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhanh chóng có phương án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai thành trung tâm trung chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cho khu vực Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc…/.