Tài liệu giới thiệu về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Thứ Ba, 21/05/2013 - 15:48 GMT+7

 Ban hành kèm theo Chỉ thị số: 2158/CT-CHK ngày 21/5/2013 của Cục trưởng Cục HKVN

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

(Ban hành kèm theo Chỉ thị số: 2158/CT-CHK ngày 21/5/2013)


          Ngày 18/6/2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và ngày 02/7/2012 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013.
Dựa trên quan điểm tiếp cận của y tế công cộng, mục tiêu chủ yếu của Luật là giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, tính mạng con người, tương lai nòi giống dân tộc và nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân từ thuốc lá. Điều đó cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là chú trọng công tác y học dự phòng tích cực, chủ động kiểm soát và ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT:
1. Thực tiễn của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá
1.1. Thực trạng sử dụng thuốc lá:
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, 84% số người hút thuốc lá sống tại các nước đang phát triển.
Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Tỷ lệ đang hút thuốc lá, thuốc lào hiện nay (tổng dân số từ 15 tuổi trở lên) là 23,8% tương đương 15,3 triệu người, trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu là 19,9% (khoảng 12,8 triệu người), tỷ lệ hút thuốc lào là 6,4% (khoảng 4,1 triệu người), còn lại là tỷ lệ sử dụng các dạng thuốc lá khác. Trong số người trưởng thành, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47,4% và ở nữ giới là 1,4%. Nhóm tuổi có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 50 tuổi). Tỷ lệ hút thuốc lá ở nông thôn cao hơn so với thành thị, người nghèo có tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn người giàu. Thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng thuốc lá sớm và dễ dàng tiếp cận thuốc lá.
Đối với người hút thuốc lá thụ động: tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ gần 70%, của trẻ em gần 50%. Như vậy, số người phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nước ta rất cao.[1]
1.2. Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và kinh tế- xã hội:
Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp nhất định cho nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động nhưng tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và kinh tế - xã hội là những tổn thất khó bù đắp được.
Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người:
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác (ung thư vòm họng, ung thư da, loãng xương, ung thư thanh quản, phế quản, đục nhãn mắt, loét dạ dày, liệt dương, giảm khả năng sinh sản…) do khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hoá học,trong đó có nicotine là chất gây nghiện và khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, điển hình là các chất như nhựa thuốc lá (tar), benzen, carbon monoxide.... Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá.
Hút thuốc lá thụ động cũng là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khỏe do khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút thở ra. Người thường xuyên hít phải khói thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26% so với người không hít phải khói thuốc lá. Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản ở cả nam và nữ. Khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 25 - 30%, mắc bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82% [2]. 
Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau HIV và tiếp theo thuốc lá là rượu và tai nạn giao thông. Đối với nam giới, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm với gần 11% tổng số ca tử vong[3]. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).
Tác hại của thuốc lá đối với kinh tế - xã hội:
Thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Ước tính, chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 3,6% GDP.[4] Chi phí xã hội cho việc sử dụng thuốc lá tại các nước rất cao, ví dụ: Tại Mỹ, mức tổn thất này được ước tính là 184,5 tỷ đô la Mỹ (USD) mỗi năm; tại Đức là 24,4 tỷ USD; tại Pháp là 16,4 tỷ USD; tại Australia là 14,2 tỷ USD và Trung Quốc là 4,3 tỷ USD.[5] Gánh nặng chi phí y tế để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá đang là một thách thức đối với nhiều quốc gia. Theo số liệu của các nước phát triển, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm khoảng 6 - 15% tổng chi phí y tế.[6]
Tại Việt Nam, năm 2010, chỉ riêng chi phí điều trị cho 3 trong số 25 loại bệnh phổ biến nhất liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn) đã là 2.304 tỷ đồng.
Chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là hộ có thu nhập thấp. Một người hút thuốc lá trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người.[7] Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.
Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra những ảnh hưởng có hại khác đến vệ sinh môi trường, làm gia tăng hoạt động buôn lậu, gây ra nguy cơ cháy nổ.
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Một nghiên cứu tại 2 phường nội thành Hà Nội cho thấy: Hàm lượng nicotine trong không khí tại nhà ở khá cao (trung bình 0,687 mg/m3 ). Hàm lượng khí Co trong không khí tại nhà ở của các gia đình có người hút thuốc cao gấp 2,4 lần nồng độ giới hạn cho phép.
Theo ước tính, trên thế giới mỗi năm có khoảng 200.000 héc ta rừng (chiếm 1,7% diện tích rừng) bị phá do việc trồng cây thuốc lá. Ở Việt Nam, một nghiên cứu cho thấy khoảng 49% nông dân dùng củi để sấy thuốc lá, 75% trong số họ nói rằng lấy củi này từ rừng.[8]
Theo thống kê của thế giới, hỏa hoạn do nguyên nhân thuốc lá chiếm 10% tổng số các vụ hỏa hoạn, gây ra 300.000 ca tử vong và thiệt hại vật chất lên tới 27 tỷ USD. Riêng ở Mỹ năm 2002 có tới 14.450 vụ cháy do thuốc lá gây ra, làm chết 520 người và bị thương 1.330 người.[9]
Thực trạng trên cho thấy nhà nước cần phải ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để tổ chức hiệu quả hơn công tác PCTHTL, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, khắc phục những hậu quả do sử dụng thuốc lá gây ra nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.
2. Yêu cầu kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá đòi hỏi ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Cả nước hiện có 17 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu với diện tích trồng thuốc lá gần 16.000 ha; có gần 20.000 lao động làm việc trong ngành công nghiệp thuốc lá và gần 220.000 lao động nông nghiệp trong sản xuất nguyên liệu. Tổng sản lượng của toàn ngành thuốc lá có xu hướng tăng nhanh trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2000, sản lượng đạt khoảng 2,7 tỷ bao, con số này đã tăng lên khoảng trên 4 tỷ bao năm 2007, khoảng 4,8 tỷ bao năm 2009 và 5,2 tỷ bao năm 2010.
Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới, trung bình khoảng 5.500 đồng/bao (tương đương 0,29 USD/bao), có loại chỉ khoảng 4.000 đồng/bao (trong khi Trung Quốc là 1,52 USD/bao, Malaysia là 1,32 USD/bao, đặc biệt ở Anh là 6,93 USD/bao). Điều này làm cho thanh thiếu niên và người nghèo Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thuốc lá hơn so với các quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm các quy định về sản xuất kinh doanh thuốc lá liên quan đến cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị vẫn còn tương đối phổ biến, hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc lá lậu vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả. Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 615 cửa hàng bán thuốc lá có sự hiện diện của 150 loại nhãn mác thuốc lá thì có tới 45 loại lưu hành trái phép (không tem, cấm nhập…).; số thuốc lá có khuyến mãi trong bao thuốc lá chiếm 35%; có 16% thuốc lá không ghi hàm lượng tar và nicotine; có 7% không in lời cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá; diện tích in lời cảnh báo sức khỏe chiếm dưới 10% diện tích vỏ bao thuốc lá là gần 75%, vị trí in lời cảnh báo bên cạnh vỏ bao thuốc lá là 97%[10]. Bên cạnh đó, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại vẫn diễn ra khá thường xuyên, trong 1.433 điểm bán thuốc lá trên 10 tỉnh, có 32,6% điểm bán vi phạm, tăng 3,7% so với năm 2009[11].
3. Yêu cầu phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá đòi hỏi phải ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Các văn bản pháp luật về PCTHTL, kể cả quản lý kinh doanh thuốc lá đến nay phần nhiều đã lạc hậu, không theo kịp các yêu cầu mới nảy sinh, chưa bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện. Các quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh nên hiệu quả chưa cao. Các văn bản pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc lá chưa chú trọng đến nội dung PCTHTL, đặc biệt giá và thuế thuốc lá còn ở mức thấp.
Mặt khác, hệ thống văn bản pháp luật về PCTHTL còn nhiều khoảng trống (chưa có quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông; quyền của người không hút thuốc lá; trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; huy động tài chính cho PCTHTL)[12], một số văn bản đã bộc lộ những mâu thuẫn, chồng chéo (quy định về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá không thống nhất, còn chồng chéo giữa các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế)[13].
Do đó, cần phải ban hành Luật PCTHTL để có văn bản pháp lý có tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực pháp lý cao về PCTHTL.
4. Yêu cầu hội nhập quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá đòi hỏi phải ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá:
Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới và hiện nay Công ước đã có hiệu lực áp dụng tại Việt Nam. Do vậy, cần phải nội luật hóa Công ước này thành luật để có cơ sở pháp lý đủ mạnh, tổ chức hiệu quả công tác PCTHTL ở nước ta.
Bên cạnh đó, hiện nay, nâng cao sức khỏe trong đó có PCTHTL là một nhiệm vụ quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đây là vấn đề của thời đại, của cả các nước phát triển và đang phát triển khi mà số người chết do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm đến hơn 50% số tử vong và trong số đó có tỷ lệ đáng kể người chết sớm (trước 60 tuổi). Đó chính là những cái chết tức tưởi, lẽ ra chúng ta có thể phòng được nếu có sự quan tâm hợp lý thông qua biện pháp phòng bệnh cho người dân ngay từ khi còn khỏe mạnh. Tháng 10/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có đề nghị các quốc gia hãy quan tâm ban hành chính sách, pháp luật và đầu tư nguồn lực để phòng, chống và hạn chế các nguy cơ gây ra bệnh không lây nhiễm như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia…
Từ các phân tích trên đây cho thấy, việc ban hành Luật PCTHTL là hết sức cần thiết.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT PCTHTL:
Luật PCTHTL là đạo luật về sức khỏe, không phải là đạo luật quy định về kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá thuần túy. Do vậy, quan điểm quan trọng hàng đầu và xuyên suốt quá trình xây dựng Luật này là thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá vì lợi ích sức khỏe của nhân dân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật còn phải bảo đảm các quan điểm khác như: Bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai; Kế thừa và phát triển các quy định pháp luật hiện hành đang phát huy hiệu quả trên thực tiễn; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi trong thực tế và bảo đảm yêu cầu lồng ghép giới; Đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên; Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vận dụng phù hợp vào điều kiện của Việt Nam, bảo đảm yếu tố hội nhập.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PCTHTL
1. Bố cục và nội dung cơ bản của Luật:
Luật có 5 chương và 35 điều, với các chính sách pháp luật cơ bản về giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ để giảm nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để thực hiện hiệu quả công tác PCTHTL, cụ thể là:
1.1. Chương I. Những quy định chung gồm có 9 điều: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); giải thích từ ngữ (Điều 2); nguyên tắc PCTHTL (Điều 3); chính sách của Nhà nước về PCTHTL (Điều 4); trách nhiệm quản lý nhà nước về PCTHTL (Điều 5); trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong PCTHTL (Điều 6); quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL (Điều 7); hợp tác quốc tế trong PCTHTL (Điều 8) và các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9).
Chương này quy định những nội dung cơ bản về PCTHTL bao gồm phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc mang tính định hướng, chính sách cơ bản để thúc đẩy công tác PCTHTL và các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTHTL.
Để thực hiện đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả công tác PCTHTL, Luật quy định đồng thời cả các biện pháp giảm cầu và giảm cung đối với thuốc lá. Trong đó, chú trọng trước hết đến các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng đối với thuốc lá để từng bước giảm số người sử dụng thuốc lá, giảm tác hại của thuốc lá, kết hợp với các biện pháp giảm dần nguồn cung cấp thuốc lá có định hướng, theo lộ trình, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Mục đích ban hành Luật là nhằm bảo đảm công tác PCTHTL nên Luật không quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh thuốc lá mà chỉ quy định những nội dung kinh doanh thuốc lá liên quan chặt chẽ đến PCTHTL, những vấn đề chưa được quy định trong các văn bản pháp luật khác và những vấn đề làm cơ sở pháp lý chung để Chính phủ căn cứ vào Luật, quy định cụ thể cho hoạt động kinh doanh thuốc lá.
Nhằm làm rõ khái niệm, từ đó giúp người dân có cách hiểu chung, thống nhất về các quy phạm được quy định trong Luật, Luật đã giải thích một số từ ngữ quan trọng, được sử dụng nhiều lần, bao gồm các khái niệm: thuốc lá, sản phẩm mô phỏng thuốc lá, tác hại của thuốc lá, cảnh báo sức khoẻ, địa điểm công cộng, nơi làm việc, trong nhà….
Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCTHTL. Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCTHTL. Các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về PCTHTL thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về PCTHTL. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCTHTL trong phạm vi địa phương. Quy định này giúp phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, là cơ sở để triển khai thực hiện cũng như thanh tra, kiểm tra trong PCTHTL.
Trong PCTHTL có hai nhóm chủ thể quan trọng liên quan trực tiếp là các cơ sở kinh doanh thuốc lá và những người sử dụng thuốc lá. Để phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của hai chủ thể nói trên và những đối tượng khác có liên quan, Luật đã quy định 9 nhóm hành vi bị cấm trong PCTHTL, đó là: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này; Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.
1.2. Chương II. Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá gồm có 9 điều, quy định về: thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL (Điều 10); địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (Điều 11); địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 12); nghĩa vụ của người hút thuốc lá (Điều 13); quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá (Điều 14); ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá (Điều 15); hoạt động tài trợ (Điều 16); cai nghiện thuốc lá (Điều 17); trách nhiệm trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá (Điều 18).
Các biện pháp này, đặc biệt là quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng, quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm 50% diện tích chính của bao bì thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc lá, hạn chế tiếp cận thuốc lá, ngăn ngừa tác hại của thuốc lá, tiến tới thay đổi hành vi, giúp người chưa hút thuốc lá không bắt đầu hút, người đang hút thuốc lá giảm dần và không hút thuốc lá, từ đó giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá.
Người đứng đầu các địa điểm công cộng có vai trò quan trọng trong thực thi quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Nếu người đứng đầu tuân thủ nghiêm quy định, họ sẽ tổ chức và bảo đảm các điều kiện để triển khai quy định tại địa điểm do mình quản lý, điều hành. Do vậy, Luật quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm do mình quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá.
Thực hiện quy định tại Điều 14 Công ước khung FCTC về biện pháp giảm cầu liên quan đến cai nghiện thuốc lá, để hạn chế tác hại cũng như giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, Luật quy định cụ thể việc hỗ trợ cai nghiệm thuốc lá. Đồng thời, việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các thuốc cai nghiện, điều trị nghiện thuốc lá được hưởng mức thuế ưu đãi theo quy định của pháp luật.
1.3. Chương III. Các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá gồm có 9 điều, quy định về: quản lý kinh doanh thuốc lá (Điều 19); quy hoạch kinh doanh thuốc lá (Điều 20); kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá (Điều 21); kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước (Điều 22); quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá (Điều 23); số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói (Điều 24); bán thuốc lá (Điều 25); các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả (Điều 26); trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả (Điều 27).
Các biện pháp này nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá để giảm dần nguồn cung cấp thuốc lá một cách chủ động, gắn liền với tốc độ giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, góp phần PCTHTL một cách hiệu quả và bền vững. Trong đó, Luật quy định việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc lá thông qua quy hoạch, cấp phép và quản lý sản lượng thuốc lá; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá; quy định cấm bán thuốc lá tại các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá, quy định cụ thể biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan trong phòng, chống thuốc lá lậu nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng tăng tại Việt Nam.
1.4. Chương IV. Các điều kiện bảo đảm để PCTHTL gồm có 5 điều, quy định về: thành lập Quỹ PCTHTL (Điều 28); mục đích và nhiệm vụ của quỹ (Điều 29); nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng quỹ (Điều 30); xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL (Điều 30); trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL (Điều 31).
Các biện pháp này tạo điều kiện bảo đảm bằng cách huy động nguồn kinh phí xã hội hóa ổn định, bền vững cho công tác PCTHTL, quy định các chế tài và trách nhiệm xử lý vi phạm để bảo đảm tính khả thi của Luật.
Công tác PCTHTL đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và ổn định nên không thể lấy từ ngân sách nhà nước mà phải trên cơ sở xã hội hóa, huy động sự đóng góp của xã hội, đặc biệt là từ cơ sở sản xuất thuốc lá nhằm tăng tính cảnh báo về tác hại của thuốc lá và khuyến khích giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Luật quy định thành lập Quỹ PCTHTL để huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động PCTHTL trên phạm vi toàn quốc.
Quỹ PCTHTL sẽ góp phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm chi phí y tế vốn ngày càng tăng với nguồn kinh phí ổn định và không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Đó chính là giải pháp rất nhân văn, khắc phục được những khó khăn của cơ chế quản lý hiện hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cũng là điều mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng.
1.5. Chương V. Điều khoản thi hành bao gồm 3 điều, quy định về: hiệu lực thi hành (Điều 33); điều khoản chuyển tiếp (Điều 34); quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Điều 35).
2. Một số điểm mới và quan trọng của Luật:
2.1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá:
Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là biện pháp quan trọng và hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe người sử dụng, người chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, nguy cơ mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá để người dân không sử dụng thuốc lá, thực hiện nghiêm quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng và tích cực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.
          Trước khi Luật được ban hành, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ phân công, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với nhiều hoạt động đa dạng và hiệu quả như:
          - Thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá trên các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng...
          - Tổ chức chiến dịch tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú nhân dịp Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5 hằng năm.
          - Xây dựng và triển khai các mô hình cộng đồng không thuốc lá tại một số tỉnh, thành phố, điểm du lịch, cơ quan, trường học, bệnh viện…
- Lồng ghép nội dung giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh, sinh viên trong các cấp học, bậc học.
- Lồng ghép nội dung thông tin, giáo dục, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các chương trình y tế quốc gia có liên quan như chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe...
Qua kết quả thực hiện cho thấy, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đã giúp cho nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được cải thiện đáng kể. Do đó, cần thể chế hóa nội dung cũng như các yêu cầu, điều kiện bảo đảm để tổ chức hiệu quả hơn công tác này.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có nhiều điều khoản quy định về nội dung này như: Khoản 2 Điều 3 - Nguyên tắc phòng, chống tác hại thuốc lá; Điều 10 - Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Điều 15 về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; Điểm a Khoản 2 Điều 29 về nhiệm vụ của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá trong truyền thông, giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Để thống nhất về định hướng cũng như cách tiếp cận, quan điểm của Nhà nước trong PCTHTL, bên cạnh các nguyên tắc chính làm cơ sở cho toàn bộ công tác PCTHTL, Khoản 2 Điều 3 của Luật đã quy định nguyên tắc hết sức quan trọnglà "Chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra".
Luật dành riêng Điều 10 quy định chi tiết về yêu cầu, nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích vỏ bao thuốc lá. Đây là biện pháp truyền thông hiệu quả, tiết kiệm để nâng cao tính cảnh báo đến người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.
Đặc biệt, với quy định về việc thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá là nguồn kinh phí xã hội hóa từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá để sử dụng chủ yếu cho hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn quốc là điều kiện thuận lợi để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điểm a Khoản 2 Điều 29 về mục đích và nhiệm vụ của Quỹ: "Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng".
Việc quy định chú trọng thông tin, giáo dục, truyền thông là một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá đã thể hiện vai trò quan trọng của công tác này, là điều kiện bảo đảm để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như tăng cường ý thức tuân thủ, chấp hành Luật sau khi được ban hành.
2.2. Địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá:
Địa điểm cấm hút thuốc lá được quy định trong Luật bao gồm địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (Điều 11) và địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá (Điều 12).
- Cơ sở khoa học của điều luật này xuất phát từ tác hại của hút thuốc lá thụ động đến sức khỏe của người không hút thuốc lá cũng như hiệu quả của quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng đến việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá.
Phần lớn lượng khói thuốc lá thoát ra không được hít vào bởi người hút. Dòng khói phụ từ đầu điếu thuốc lá đang cháy tỏa ra ngoài (sidestream smoke) trộn với khói chính (mainstream smoke) người hút thuốc lá nhả ra tạo thành “khói thuốc lá tỏa ra môi trường” (environment tobaco smoke - ETS) hay còn gọi là “khói thuốc lá thụ động” (second-hand smoke - SHS) và hành động hít phải khói thuốc lá này được gọi là “hút thuốc lá thụ động”.
Hút thuốc lá thụ động là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khói toả ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Nghiên cứu trên phạm vi quốc tế trong 20 năm gần đây về ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động đã chỉ ra rằng: Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của nam và nữ. Người thường xuyên hít phải khói thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25-30%, mắc bệnh phổi lên 20-30% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen; làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.[14]
Hiện nay, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%.[15] Đặc biệt, theo một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá  ở nhà của phụ nữ là gần 70%, của trẻ em là gần 50%, số ngày trung bình trong một tuần phụ nữ phải tiếp xúc với khói thuốc ở nhà là 5,7 ngày, nơi làm việc là 5,1 ngày và nơi công cộng là 4,2 ngày. Như vậy, tỷ lệ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nước ta rất cao.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Nên thực hiện các khu vực 100% không khói thuốc lá vì đây là cách duy nhất để bảo vệ sức khoẻ của tất cả mọi người khỏi tác hại của khói thuốc lá.[16]
Bên cạnh đó, tại Điều 8 về Bảo vệ khỏi tiếp xúc với khói thuốc lá của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá FCTC quy định “Các bên phải nhận thức được rằng đã có những bằng chứng khoa học chắc chắn chứng minh việc tiếp xúc với khói thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong, bệnh tật và tàn phế. Mỗi nước sẽ thông qua và thi hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, hành chính hữu hiệu nhằm bảo vệ mọi người khỏi việc phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà, trên các phương tiện giao thông công cộng, những nơi công cộng trong nhà và ở mức độ thích hợp, tại những nơi công cộng khác”.
Một số văn bản pháp luật hiện hành có quy định về các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa đủ rõ ràng, chưa bảo đảm tính khả thi nên cùng với việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt không nghiêm, các quy định này được thực hiện rất kém.
- Xuất phát từ cơ sở nêu trên, để bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc lá khỏi những ảnh hưởng có hại và nguy cơ phơi nhiễm với khói thuốc lá, Điều 11 của Luật quy định các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm: Các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên (cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao); các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà (nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này) và cấm hút thuốc lá hoàn toàn trên một số phương tiện giao thông công cộng là ô tô, tàu bay.
Các địa điểm cộng cộng được quy định trong điều luật này là những địa điểm cần được bảo vệ tuyệt đối khỏi tác hại của việc hút thuốc lá. Đó là nơi có nhiều đối tượng dễ tổn thương như người bệnh, trẻ em, học sinh, sinh viên; là nơi có môi trường văn hóa, văn minh; nơi tập trung đông người hoặc nơi có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt. Đồng thời, đây là những địa điểm hiện nay pháp luật đã quy định cấm hút thuốc lá. Trong tương lai, khi Luật được triển khai và có biện pháp bảo đảm thực hiện, quy định này sẽ có tính khả thi cao.
Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc lá, việc quy định các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn còn góp phần làm hạn chế, giảm tỷ lệ hút thuốc lá và thúc đẩy người hút bỏ hút thuốc lá. Việc cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, kể cả ngành kinh doanh, giải trí. [17]
Ngoài các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn được quy định tại Điều 11 của Luật, có một số địa điểm công cộng khác hiện đã có quy định cấm hút thuốc lá nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam còn khá cao. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, việc cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại các địa điểm này là chưa khả thi nên bên cạnh việc quy định các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn, cần có cơ chế cho phép tại một số địa điểm công cộng, người chủ địa điểm được tổ chức một nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Quy định này vừa bảo đảm ngăn ngừa ảnh hưởng của khói thuốc lá đến sức khỏe của người khác, vừa bảo đảm nhu cầu của những người hút thuốc lá, ngăn ngừa nguy cơ vi phạm quy định cấm hút thuốc lá của họ, tạo hành vi và thói quen văn minh khi sử dụng thuốc lá, tránh “nhờn” luật. Đồng thời, quy định này cũng tạo ra sự khó khăn, bất tiện cho người hút thuốc lá (vì họ chỉ được hút tại những nơi dành riêng) sẽ có tác dụng giúp họ giảm dần việc hút thuốc lá, tăng động lực bỏ thuốc lá.
Do vậy, Điều 12 của Luật quy định các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; trên các phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm này phải bảo đảm các điều kiện về không gian, thông khí, vệ sinh môi trường, có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá, có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát và phòng, chống cháy nổ để bảo đảm an toàn và hạn chế tác hại của thuốc lá.
Như vậy, Luật quy định địa điểm cấm hút thuốc lá bao gồm địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn và địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá xuất phát từ thực tiễn xã hội và thói quen hút thuốc lá của người dân Việt Nam, cùng với cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo tính khả khi của điều luật, hạn chế tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc lá và giúp giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
2.3. Ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá:
Quy định về ghi nhãn là nội dung bắt buộc đối với các sản phẩm hàng hóa. Các thông tin trên nhãn hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng những đặc điểm cơ bản nhất của sản phẩm.
Bên cạnh việc tuân thủ các yêu cầu chung của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu riêng như: không được ghi các từ, cụm từ thể hiện sản phẩm thuốc lá đó ít có hại hoặc làm cho người sử dụng hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người; phải dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ghi ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác.
Luật cũng quy định: Bao bì của thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu. Cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần.
Đồng thời, Luật giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể về ghi nhãn đối với thuốc lá và trình Chính phủ quyết định tăng % diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.
Hai nội dung quan trọng được điều chỉnh trong điều luật này là quy định về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích trình bày chính và không được in các từ, cụm từ thể hiện sản phẩm thuốc lá đó ít có hại hoặc làm cho người sử dụng hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người trên tất cả các bao bì thuốc lá. Quy định này dựa trên những bằng chứng khoa học và thực tiễn có tính thuyết phục rõ ràng.
Thứ nhất, về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá:
- Cơ sở của quy định trên xuất phát từ việc thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện có hại cho sức khỏe con người. Trên thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá vẫn đang tiếp tục tăng cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết của người dân về tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe chưa đầy đủ, đặc biệt tại các nước nghèo và đang phát triển như Việt Nam, do việc tiếp cận với thông tin về mối nguy cơ này còn hạn chế. Quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh sẽ là một biện pháp PCTHTL hiệu quả, bởi vì:
- Cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là một nguồn thông tin rất tốt để đưa trực tiếp tới từng người hút thuốc lá (mỗi khi họ hút) và cả người không hút thuốc lá nhưng nhìn thấy bao thuốc lá, những thông điệp hữu ích về những tác hại gây ra do sử dụng thuốc lá.
- Mục đích của việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là nhằm tăng cường mức độ nhận thức về tác hại của thuốc lá với sức khỏe không kể nhóm tuổi, giới tính, nơi sinh sống để mọi người dân hiểu rằng, sử dụng thuốc lá gây ra bệnh tật, tử vong và thay đổi thái độ với hành vi hút thuốc lá, tăng các nỗ lực bỏ thuốc lá.
- Hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe chưa đầy đủ, đặc biệt tại các nước nghèo và đang phát triển như nước ta, do việc tiếp cận với thông tin về mối nguy cơ này còn hạn chế. Vì vậy, việc in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá có thể truyền tải thông điệp về tác hại của thuốc lá một cách liên tục đến với từng người hút thuốc lá.
- Cảnh báo sức khỏe khuyến khích người hút cai thuốc lá hoặc hút bớt đi, người không hút thuốc lá sẽ không bắt đầu hút, nhất là giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc lá vì cảnh báo giúp họ nhận biết hút thuốc lá không làm họ hấp dẫn hơn mà chỉ làm cho họ bệnh tật và chết sớm hơn.
- In cảnh báo sức khỏe bằng cả chữ và hình ảnh được coi là một biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá rất hiệu quả vì gây ấn tượng mạnh, đến ngay đối với mọi đối tượng, kể cả những người có trình độ văn hóa thấp hoặc không biết chữ; bảo đảm quyền của người tiêu dùng, giúp người dân hình dung rõ nhất về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là những hậu quả đối với sức khỏe, tính gây nghiện và nguy cơ chết người từ việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá; là biện pháp truyền thông đạt hiệu quả lớn mà chi phí cho việc in ấn lại thấp (ước tính không quá 500 đồng/bao thuốc lá). 
- Theo quy định tại Điều 11 của Công ước  khung FCTC về đóng gói và gắn nhãn mác của các sản phẩm thuốc lá “Mỗi nước sẽ thông qua các quy định về in luân phiên các cảnh báo sức khoẻ trên trên bao bì các sản phẩm thuốc lá. Cảnh báo sức khoẻ nên chiếm 50% diện tích trưng bày chính nhưng không được nhỏ hơn 30% diện tích trưng bày chính của vỏ bao thuốc. Cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh và/hoặc chữ.”
Chính vì vậy, rất nhiều nước trên thế giới đã quy định bắt buộc phải in cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá. Đến nay, trên thế giới có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quy định bắt buộc phải in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá: Các nước Đông Nam Á và gần Việt Nam có Singapore, Thailand, Malaysia, Bruney, Philippines, Hong Kong, Taiwan; có quốc gia còn quy định diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá rất cao như Uruguay (80% cả hai mặt trước và sau), Mauritius (60% mặt trước và 70% mặt sau), Australia, New Zealand (30% mặt trước và 90% mặt sau), Philippines (60% cả hai mặt trước và sau) …
- Quy định in cảnh báo sức khoẻ hiện hành của Việt Nam còn yếu so với quy định của Công ước Khung, cụ thể: số lượng mẫu cảnh báo ít; thông điệp yếu; diện tích in cảnh báo nhỏ; chưa quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng hình ảnh.
Thứ hai về quy định cấm in các thông tin có thể gây nhầm lẫn:
Những tài liệu lưu hành nội bộ trong ngành công nghiệp thuốc lá đã cho thấy rằng, những loại thuốc lá “nhẹ” (light) và “siêu nhẹ” (super light) được tung ra thị trường vào thập niên 50 và 60 và thuốc lá “low tar” (hắc ín thấp) và “mild” (êm dịu) vào thập niên 70 là nhằm mục đích cung cấp cho những người hút thuốc lá mà có lo lắng về sức khoẻ của họ một lựa chọn khác ngoài việc bỏ thuốc, khiến những người có ý định bỏ thuốc sẽ từ bỏ ý định của mình, có thể khuyến khích những người đang có dự định bỏ thuốc lầm tưởng rằng các loại thuốc lá này là an toàn.
Đã có những cơ sở lý lẽ y tế công cộng rất thuyết phục để ủng hộ cho việc cấm sử dụng những thuật ngữ như “nhẹ” hay “êm dịu” dựa trên những bằng chứng rõ rệt chứng minh những thuật ngữ này đưa tới sự hiểu sai lệch của người sử dụng. Do việc thiết kế sản phẩm và phản ứng bù trừ của người hút thuốc lá (với việc thay đổi cách hút để có thể đưa đủ lượng nicotine vào cơ thể giống như trước), thì gần như chắc chắn rằng những người hút thuốc lá “nhẹ” vẫn hấp thụ một lượng độc chất tương đương như những người hút thuốc lá thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người hút thuốc lá hiểu sai về lượng tar và nicotine nhận được từ loại thuốc lá “nhẹ” và nhiều người đã chọn loại thuốc lá này để mong nhận được những lợi ích về sức khỏe.
Bên cạnh đó, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá cũng quy định cấm việc sử dụng các từ ngữ gây nhầm lẫn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trên vỏ bao thuốc.
Trên thế giới, Brazil, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thuật ngữ như “nhẹ” và “êm dịu”.
2.4. Số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói:
Luật quy định: sau 03 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 01 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu, trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu.
Quy định này làm cơ sở để tiến tới cấm bán các bao thuốc lá dưới 20 điếu trong thời gian tới khi có đủ điều kiện thực tiễn và có tính khả thi.
Cơ sở thực tiễn của điều luật:
- Những nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc lá ngày càng trẻ: Có đến 17.6% nam và 5.5% nữ học sinh dưới 10 tuổi đã từng thử hút thuốc lá; Tỷ lệ học sinh nam hút thuốc lá trước 10 tuổi là 17%, trước 13 - 15 tuổi là 6.5%, đặc biệt có 10.3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13 - 15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc lá trong tương lai.
- Khi bắt đầu hút thuốc lá, thanh thiếu niên là đối tượng ít có khả năng nhận thức được tính chất gây nghiện của thuốc lá và các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc lá. Do đó, thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện chất nicotine chỉ sau khi hút vài điếu thuốc lá. Rất nhiều người trong số họ sẽ phải gánh chịu những căn bệnh do thuốc lá gây ra.
- Có nhiều nguyên nhân tạo điều kiện cho thanh thiếu niên hút thuốc lá sớm hơn: mua thuốc lá dễ dàng; bao thuốc lá nhỏ dưới 20 điếu, thuốc lá lẻ được bày bán khắp nơi; giá thuốc lá hấp dẫn (chỉ khoảng 5.500đ/bao); quy định cấm bán thuốc cho người dưới 18 tuổi chưa được thực hiện nghiêm...
- Mục đích của việc cấm đóng gói và bán các sản phẩm thuốc lá dưới 20 điếu là để hạn chế thanh thiếu niên mua thuốc lá hút. Tại một số quốc gia trong khu vực, các nhà sản xuất thuốc lá sản xuất bao thuốc lá nhỏ khoảng từ 05 đến 10 điếu được đóng gói dưới nhiều hình thức bắt mắt giống như gói kẹo hoặc bánh với giá thành thấp hơn rất nhiều so với bao đóng gói 20 điếu. Bao gói nhỏ dưới 20 điếu được các nhà sản xuất sử dụng như một biện pháp thu hút giới trẻ bằng cách quảng cáo về sự sành điệu, tiện dụng và giá rẻ. Đây là một nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện cho thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận với thuốc lá, làm ra tăng tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm tuổi này.
- Những bao thuốc lá nhỏ dưới 20 điếu hiện đã bị cấm ở nhiều quốc gia như Singapore, Thái lan, Úc, Mỹ, Anh, Canada …
Vì vậy, để ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc lá, đây là một biện pháp cần thiết phải được thực hiện.
Cơ sở pháp lý của điều luật:
Khoản 3 Điều 16 Công ước khung về bán thuốc lá cho và bởi trẻ vị thành niên quy định: “Mỗi Bên sẽ nỗ lực ngăn cấm việc bán thuốc lá lẻ hoặc những bao thuốc lá nhỏ mà điều này sẽ làm tăng khả năng chi trả đối với các sản phẩm này ở trẻ vị thành niên.”
Như vậy, nhằm mục đích hạn chế thanh thiếu niên mua thuốc lá hút, Luật quy định số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 01 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu trừ thuốc lá xì gà và thuốc lá được sản xuất để xuất khẩu. Tuy nhiên, quy định này áp dụng sau 3 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, đây là khoảng thời gian hợp lý để các công ty thuốc lá có thời gian thay đổi trang thiết bị và xử lý những bao thuốc lá được đóng gói ít hơn 20 điếu, cũng như để số lượng những bao thuốc lá này trong thị trường được tiêu thụ hết tạo điều kiện cho hoạt động thanh kiểm tra được tiến hành thuận lợi và điều luật có khả năng thi hành trong thực tế.
2.5. Cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, quản lý và hạn chế trưng bày thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá:
Thuốc lá là sản phẩm có hại cho sức khỏe con người, môi trường và không khuyến khích tiêu dùng. Do đó, Luật quy định cấm việc quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
 Bên cạnh đó, Luật còn cấm các doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá không được thực hiện các hoạt động tài trợ dưới bất kỳ hình thức nào, trừ tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó.
Các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá thường gắn với quảng cáo, thúc đẩy việc mua và sử dụng thuốc lá. Các công ty thuốc lá tài trợ cho các hoạt động xã hội và thông qua các hoạt động này quảng cáo cho hình ảnh của công ty thuốc lá. Một số hoạt động tài trợ cho phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học và đối tượng thanh thiếu niên nhưng lại xuất hiện khẩu hiệu như "thuốc lá là sự lựa chọn của người trưởng thành" nhằm gợi mở trí tò mò của các em học sinh và thanh thiếu niên về các sản phẩm thuốc lá. Do đó, các hoạt động này cần phải bị cấm. Tuy nhiên, các hoạt động tài trợ nhân đạo của doanh nghiệp thuốc lá vẫn có thể được phép nhưng cần quản lý chặt chẽ để tránh việc quảng bá sản phẩm thuốc lá và hình ảnh các công ty thuốc lá.
Thuốc lá là loại hàng hóa độc hại nên hiện nay thuộc diện hàng hóa kinh doanh phải có giấy phép và việc quản lý các địa điểm bán thuốc lá cần chặt chẽ. Tại Việt Nam, thuốc lá được trưng bày, bán lẻ ở khắp mọi nơi như trên phố, hàng rong, các quầy hàng tạp hóa, quán nước… Kinh doanh bán lẻ thuốc lá không cần cấp phép. Hoạt động quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán hàng vẫn diễn ra thường xuyên. Hình thức quảng cáo phổ biến nhất vẫn là giá, hộp trưng bày, quầy trưng bày thuốc lá có logo và màu sắc của thương hiệu thuốc lá. Tỉ lệ cửa hàng trưng bày quá 1 bao hay 1 hộp (200 điếu) của một nhãn thuốc lá rất cao (80,4%). Tỉ lệ này tại thành phố Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội (84,6% so với 76,1%) và có sự khác nhau theo các loại cửa hàng ở từng thành phố[18]. Điều này làm cho việc mua thuốc lá trở nên quá dễ dàng, làm tăng khả năng sử dụng thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên, người nghèo, người có thu nhập thấp. Do đó, cần quản lý chặt chẽ bằng hình thức cấp phép đối với các doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá và hạn chế trưng bày thuốc lá tại các điểm bán.
Trên cơ sở đó, Luật quy định: Các doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ. Người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11, Điều 12, trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Đây là những biện pháp quản lý mới, chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động trưng bày và bán lẻ thuốc lá nhằm kiểm soát hoạt động cung cấp thuốc lá cũng như việc tiếp cận thuốc lá phù hợp với yêu cầu phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2.6. Về quản lý, kinh doanh, quy hoạch, đầu tư sản xuất, kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước:
Luật chỉ tập trung vào các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, không điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá thuần túy vì các họat động này được thực hiện theo quy định của Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…. Tuy nhiên, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá là nhóm biện pháp quan trọng hướng tới giảm nguồn cung cấp thuốc lá một cách chủ động, phù hợp với nhóm biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Do đó, Luật đã quy định một số biện pháp mang tính nguyên tắc để kiểm soát họat động kinh doanh thuốc lá, bao gồm: quản lý kinh doanh thuốc lá (Điều 19); quy hoạch kinh doanh thuốc lá (Điều 20); kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá (Điều 21); kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước (Điều 22) và một số biện pháp khác. Đây là cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết và tổ chức quản lý đối với các hoạt động kinh doanh thuốc lá cụ thể.
Trước đây, hoạt động quản lý, kinh doanh, đầu tư sản xuất thuốc lá đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nội dung này được quy định thống nhất, mang tính chất định hướng trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Các nguyên tắc quản lý kinh doanh thuốc lá thể hiện chính sách nhất quán và quan điểm của Nhà nước trong quản lý đối với mặt hàng này, là cơ sở để triển khai các biện pháp nhằm từng bước giảm nguồn cung thuốc lá. Theo đó Luật quy định "Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp". Trên cơ sở các nguyên tắc chung này, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc cấp giấy phép buôn bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, buôn bán, nhập khẩu thuốc lá.
Nguyên tắc quản lý kinh doanh thuốc lá thể hiện rõ Nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ mặt hàng thuốc lá, từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá cũng như hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định một số nội dung mới như sau:
Thứ nhất, mặc dù vấn đề quy hoạch mạng lưới kinh doanh thuốc lá đã được quy định tại các văn bản quy phạm dưới luật, nhưng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định cụ thể hơn, không những trên phạm vi toàn quốc mà còn quy định trách nhiệm cụ thể đối với các địa phương. Khoản 2 và Khoản 3 Điều 20 quy định: "Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch kinh doanh thuốc lá của cả nước, bao gồm quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc lá, quy hoạch sản xuất thuốc lá, quy hoạch mạng lưới mua bán thuốc lá" đồng thời "Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc lá, quy hoạch mạng lưới mua bán thuốc lá của địa phương phù hợp với quy hoạch kinh doanh thuốc lá quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này". Như vậy, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan cùng với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phê duyệt và phối hợp tổ chức hoạt động quy hoạch thuốc lá trên phạm vi toàn quốc cũng như từng địa phương.
Thứ hai, hoạt động quy hoạch kinh doanh thuốc lá phải gắn với giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và có giải pháp để từng bước chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, công nhân sản xuất thuốc lá. Trước đây, hoạt động quy hoạch kinh doanh thuốc lá chưa gắn với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá cũng như giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho những người trồng cây thuốc lá, công nhân sản xuất thuốc lá... Quy định của Luật không những giúp Nhà nước quản lý tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá mà còn gắn với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tiến tới bảo vệ lợi ích sức khỏe cho người dân.
Thứ ba, Khoản 2 Điều 21 về kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá quy định: việc đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất của cơ sở sản xuất thuốc lá để tiêu thụ trong nước không được vượt quá tổng sản lượng được phép sản xuất của toàn ngành thuốc lá trước ngày Luật này có hiệu lực. Đồng thời, Luật cũng quy định các dự án đầu tư nước ngoài phải bảo đảm các điều kiện chặt chẽ của Chính phủ nhằm không tăng sản lượng thuốc lá tiêu thụ nội địa.
Quy định này nhằm hạn chế tăng sản lượng thuốc lá do việc đầu tư xây dựng mới, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở sản xuất của doanh nghiệp thuốc lá. Đây là quy định được kế thừa từ Nghị định của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh thuốc thuốc lá. Theo đó, Nhà nước ta đã khẳng định chính sách nhất quán là không tăng sản lượng sản xuất thuốc lá để đáp ứng yêu cầu PCTHTL.
Thứ tư, quy định cụ thể các biện pháp kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước. Khoản 1 Điều 22 quy định kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước bao gồm các biện pháp: quản lý sản lượng thuốc lá được phép sản xuất và nhập khẩu; dán tem hoặc in mã số, mã vạch trên bao bì thuốc lá; quản lý năng lực máy, thiết bị chuyên ngành thuốc lá; quản lý nguyên liệu thuốc lá và giấy cuốn điếu thuốc lá; quản lý nguồn gốc, sự di chuyển và tính hợp pháp của thuốc lá.
Đây là lần đầu tiên Luật quy định cụ thể các biện pháp kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật trong thực tế. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ ngành liên quan sẽ quy định, hướng dẫn cụ thể phù hợp với yêu cầu kiểm soát kinh doanh thuốc lá.
2.7. Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá:
Dự thảo Luật quy định việc thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá để có nguồn kinh phí ổn định và bền vững cho công tác PCTHTL và nâng cao sức khỏe cộng đồng do việc sử dụng thuốc lá đang gây ra những tốn kém rất lớn mà ngân sách nhà nước không thể gánh chịu được do phải chi cho việc hỗ trợ điều trị bệnh, thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL, khắc phục các hậu quả kinh tế - xã hội, môi trường tại Việt Nam có nguyên nhân từ thuốc lá.
Theo đó, Quỹ PCTHTL là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế, chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn quốc. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ và triển khai các hoạt động PCTHTL, đặc biệt là các hoạt động tại cộng đồng, cụ thể là:
- Truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng;
- Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
- Tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá dựa vào cộng đồng; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng;
- Tổ chức cai nghiện thuốc lá;
- Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô hình có hiệu quả;
- Nghiên cứu đưa ra những bằng chứng phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
- Xây dựng, hỗ trợ hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá;
- Xây dựng nội dung và tổ chức đưa giáo dục về tác hại và phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học;
- Thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá.
Nguồn Quỹ được hình thành từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng thuốc lá và cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác.
Việc thành lập Quỹ PCTHTL là hết sự cần thiết dựa trên các lý do sau:
Quỹ PCTHTL đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác PCTHTL.
- Công tác PCTHTL bao gồm nhiều hoạt động, trong đó quan trọng nhất là tuyên truyền, giáo dục để người hút thuốc lá thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng và tiến tới cai nghiện thuốc lá, thanh thiếu niên không hút thuốc lá, người dân biết tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Đồng thời, Quỹ còn thực hiện, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, cai nghiện thuốc lá; tổ chức các mô hình cai nghiện thuốc lá hiệu quả, mô hình cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; nâng cao năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác PCTHTL; nghiên cứu giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động ngành thuốc lá; vận động tài trợ cho công tác PCTHTL.
- Việc thành lập Quỹ với nguồn kinh phí ổn định, dành riêng cho hoạt động PCTHTL sẽ mang lại các lợi ích sau:
+ Có nguồn đầu tư cho công tác dự phòng: Theo Tổ chức Y tế thế giới thì các biện pháp kiểm soát thuốc lá đều có chi phí thấp và có hiệu quả rất cao khi được lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ước tính, chỉ cần chi từ 20 đến 80 đô la/năm cho các biện pháp dự phòng về kiểm soát thuốc lá: như là môi trường không khói thuốc, cấm quảng cáo ...) là đã tránh được khỏi phải chi phí khoảng 10.000 USD điều trị cho 1 bệnh nhân ung thư kéo dài thêm 1 năm sống.
+ Có đủ kinh phí để đầu tư cho các chương trình nâng cao sức khoẻ: Tổ chức tư vấn, cai nghiện thuốc lá; Tài trợ cho các nghiên cứu về PCTHTL, nâng cao sức khoẻ; Có thể dành một phần hỗ trợ cho một số trường hợp cần điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra, hoặc cho bảo hiểm y tế (ví dụ mô hình Hàn Quốc).
+ Tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động, duy trì các kênh truyền thông như truyền hình, phát thanh, báo chí, sản xuất và phân phát tài liệu truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực cho mạng lưới tham gia PCTHTL.
+ Thay thế các nguồn tài trợ của thuốc lá như thể thao, nghệ thuật, văn hoá.
- Nếu có nguồn kinh phí riêng sẽ chủ động và độc lập trong quản lý, sử dụng, ít bị tác động của các yếu tố khác (cạnh tranh giữa các vấn đề sức khoẻ cần ưu tiên, yếu tố chính trị...). Nếu đã thu vào ngân sách thì phải chịu áp lực từ việc lựa chọn ưu tiên các nhiệm vụ chi của ngân sách, nếu có nhiệm vụ cần ưu tiên hơn thì chi cho phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ bị cắt giảm. Khi có nguồn thu riêng cho Quỹ, Bộ Y tế sẽ chủ động trong xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá và bảo đảm đủ kinh phí để triển khai, không lệ thuộc vào cấp ngân sách hoặc tài trợ hiện nay thường rất chậm: Ngân sách thường cấp muộn vào giữa năm tài chính nên các hoạt động vào dịp đầu năm thường chưa triển khai được kịp thời vì không có kinh phí.
- Nguồn của Quỹ sẽ bền vững, luỹ tiến với quy mô phát triển và lợi nhuận của ngành công nghiệp thuốc lá, không lệ thuộc vào ngân sách nhà nước cấp cho các chương trình y tế công cộng. Khi nào còn ngành công nghiệp thuốc lá thì còn cần đầu tư cho hoạt động PCTHTL.
Cơ sở pháp lý thành lập Quỹ PCTHTL:
- Công ước khung về kiểm soát thuốc lá quy định: "Mỗi bên sẽ thiết lập hoặc củng cố và cung cấp tài chính cho một cơ chế điều phối quốc gia hoặc các cơ quan đầu mối về kiểm soát thuốc lá". Đây chính là cam kết chính trị của Nhà nước ta về thiết lập nguồn tài chính tương xứng cho công tác PCTHTL.
- Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Thành lập Quỹ PCTHTL&NCSKCĐ” và giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu thành lập Quỹ. Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đều nhất trí, ủng hộ sự cần thiết thành lập Quỹ và cam kết đóng góp tài chính cho công tác PCTHTL.
 Quỹ PCTHTL dựa trên nguyên tắc xã hội hóa:
- Công tác PCTHTL là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Nhà nước không đủ nguồn lực để tự thực hiện mà cần huy động nguồn lực và sự tham gia của xã hội. Người sử dụng thuốc lá là đối tượng chính gây tác hại phải có trách nhiệm trực tiếp dưới hình thức đóng góp tài chính cho công tác PCTHTL, để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân họ và sức khỏe của những người không hút thuốc lá nhưng chịu ảnh hưởng, hậu quả do người sử dụng thuốc lá gây ra. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá được hưởng lợi nhuận từ kinh doanh thuốc lá cũng phải chung tay đóng góp cho công tác PCTHTL. Bên cạnh đó, Quỹ có thể thu hút tài trợ của các cá nhân, tổ chức khác và sự tham gia của người dân ở cộng đồng. Do đó, việc thành lập Quỹ là biện pháp huy động tài chính mang tính chất xã hội hóa.
- Hiện nay, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, lại phải ưu tiên cho các mục tiêu hàng đầu như tăng trưởng kinh tế, quốc phòng, an ninh, giáo dục... nên không đủ để đáp ứng nhu cầu kinh phí lớn và lâu dài của công tác PCTHTL. Do đó, Nhà nước cần có biện pháp tăng cường kinh phí PCTHTL trong thời gian tới.
- Thuốc lá, rượu bia là những sản phẩm gây nghiện, mặc dù Nhà nước áp dụng các biện pháp giảm cung và giảm cầu mạnh mẽ, liên tục thì tỷ lệ người sử dụng vẫn giảm rất chậm, đòi hỏi thời gian rất dài. Do đó, công tác PCTHTL phải được thực hiện một cách lâu dài, thường xuyên, liên tục và nguồn tài chính cho công tác này cũng phải bảo đảm ổn định, lâu dài (có thể kéo dài nhiều thập kỷ), không phải chỉ tập trung trong một giai đoạn ngắn hạn.
- Nếu bố trí kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ khó đáp ứng được yêu cầu thường xuyên, lâu dài của công tác PCTHTL. Vì vậy, cần có một cơ chế mới, đặc thù là xã hội hóa để huy động kinh phí ngoài tổng thu ngân sách hiện hành, giảm gánh nặng, tiết kiệm cho ngân sách, bảo đảm đáp ứng đủ và bền vững cho công tác PCTHTL.
 Cơ chế quản lý Quỹ công khai, minh bạch, linh hoạt:
- Công tác PCTHTL có một cơ quan đầu mối điều phối chung, xây dựng mục tiêu, kế hoạch tổng thể, bảo đảm không trùng lắp với nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được ngân sách bố trí.
- Nguồn vốn được cấp trực tiếp vào Quỹ nên có thể chủ động phân bổ, bảo đảm cho các hoạt động PCTHTL được thường xuyên, liên tục.
- Quỹ hoạt động ở quy mô quốc gia nên có cơ chế thuận tiện để cấp kinh phí trực tiếp cho các hoạt động PCTHTL ở cộng đồng, địa phương; dễ cân đối, điều tiết kinh phí giữa trung ương và địa phương; thu hút được nguồn tài trợ.
- Quỹ có Hội đồng quản lý với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội khác… với cơ cấu gọn nhẹ; chế độ kiểm toán, báo cáo chặt chẽ; thường xuyên rà soát để tránh chồng chéo hoạt động; bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.
Về nguồn hình thành Quỹ:
Khoản 1 Điều 30 của Luật quy định: Quỹ được hình thành từ: (1) Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 01 tháng 5 năm 2013; 1,5% từ ngày 01 tháng 5 năm 2016; 2,0% từ ngày 01 tháng 5 năm 2019. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tự khai, tự tính, tự nộp vào tài khoản của Quỹ; (2) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; (3) Nguồn thu hợp pháp khác.
Việc quy định huy động kinh phí của Quỹ từ nguồn xã hội hóa xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý cũng như tham khảo phù hợp kinh nghiệm quốc tế.
- Về bản chất, thuốc lá là sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng do gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người dân và kinh tế - xã hội nên người sử dụng thuốc lá có nghĩa vụ đóng góp thêm một khoản tiền để góp phần cùng Nhà nước hạn chế một phần tác hại do việc sử dụng thuốc lá. Khoản đóng góp bắt buộc này có tính chất bồi hoàn để khắc phục hậu quả do người sử dụng, sản xuất thuốc lá gây ra và không thuộc các nguồn thu được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Quy định này sẽ phát huy được trách nhiệm trước xã hội của người sử dụng thuốc lá, giúp họ nhận thức mạnh mẽ hơn ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đối với bản thân và xã hội, từ đó có thể giảm dần hoặc không sử dụng thuốc lá. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá gián tiếp gây ra tác hại của thuốc lá cũng phải có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ từ lợi nhuận sau thuế.
- Về mặt kỹ thuật, khoản đóng góp bắt buộc này không kết cấu trong giá thành thuốc lá mà cộng vào giá bán cho người sử dụng thuốc lá. Do đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá sẽ tự khai, tự tính và tự nộp vào tài khoản của Quỹ nên cách thức quản lý thu bảo đảm đơn giản, thuận tiện.
- Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập quỹ PCTHTL hoặc Quỹ NCSKCĐnhư Thái Lan, Lào, Malaysia, Australia, Mông Cổ, Hàn Quốc, Ba Lan, Phần Lan, Quatar, Ai-xơ-len, Estonia, Slovenia, Mỹ, Thụy Sỹ, New Zealand…. trong đó, nhiều nước đã áp dụng chính sách huy động sự đóng góp bắt buộc từ người sử dụng thuốc lá và đều đạt hiệu quả cao. Ví dụ: sau 10 năm thực hiện, Thái Lan đã giảm được khoảng 5 triệu người hút thuốc lá, tiết kiệm 500 triệu USD cho ngân sách.
Do đó, việc thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá với nguồn kinh phí xã hội hóa, ổn định, bền vững sẽ tạo điều kiện bảo đảm vững chắc để thực hiện thành công mục tiêu của Luật.
2.8. Xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL:
Quy định pháp luật hiện hành đối với xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều hạn chế, tính khả thi và hiệu quả chưa cao. Do đó, trong quá trình đưa ra lấy ý kiến thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, Luật cần tăng cường quy định về xử phạt để cải thiện việc tuân thủ pháp luật về PCTHTL, thể hiện được mức phạt, hành vi bị phạt, mở rộng chủ thể có thẩm quyền xử phạt; quy định rõ hơn về trách nhiệm của UBND phường, xã trong lĩnh vực này; đặc biệt cần giao thủ trưởng cơ quan có quy định cấm hút thuốc lá tổ chức các lực lượng xử phạt...
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Luật quy định nguyên tắc chung trong xử phạt vi phạm pháp luật về PCTHTL và một số biện pháp cụ thể để tăng cường thực thi pháp luật vì hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về PCTHTL đặc biệt là vi phạm quy định về hút thuốc lá nơi công cộng, buôn lậu thuốc lá đang diễn ra tràn lan, khó kiểm soát; tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành như thuốc lá lậu là hàng hóa cấm kinh doanh, hành vi buôn lậu thuốc lá số lượng lớn sẽ bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, Luật đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể về hành vi, thẩm quyền và mức phạt nghiêm.
Quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc lá đã tương đối đầy đủ và được triển khai thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, đối với xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá lậu, hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn rất hạn chế. Tình trạng buôn lậu thuốc lá cả trên các tuyến biên giới và thị trường bán lẻ thuốc lá diễn ra hết sức phức tạp. Do đó, Luật quy định và giao trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng công an, quốc phòng, quản lý thị trường trong xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính khả thi.
Hiện nay, tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng đang diễn ra tràn lan, hầu như ít bị xử phạt. Trách nhiệm xử phạt vi phạm chủ yếu được giao cho lực lượng thanh tra y tế là khó khả thi, vì lực lượng này rất mỏng (cả nước hiện chỉ có hơn 320 thanh tra viên y tế). Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc cho phép mở rộng thẩm quyền xử phạt, cho phép người đứng đầu hoặc người có chức danh tại một số địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá được phép xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá. Các địa điểm được ủy quyền xử phạt có thể bao gồm: các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở cơ quan, nhà ga, sân bay, rạp chiếu phim, rạp hát, công viên và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, Luật xử lý vi phạm hành chính hiện nay chưa quy định về vấn đề ủy quyền nên chưa có cơ sở để mở rộng thẩm quyền xử phạt. Do đó, trước mắt, Luật quy định cho phép người đứng đầu có một số quyền như: Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở. Những quy định này sẽ bảo đảm tăng cường trách nhiệm cũng như vai trò của người đứng đầu địa điểm công cộng để thực hiện tốt hơn quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Xây dựng văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá:
          Để kịp thời xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá:
+ Điều khoản cần quy định chi tiết: Khoản 4 Điều 17 về điều kiện thành lập và phạm vi hoạt động của cơ sở cai nghiện thuốc lá; Khoản 5 Điều 26 về việc xử lý đối với thuốc lá nhập lậu; phân công quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.
+ Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan.
 + Thời gian trình Chính phủ: Quý I/2013.
- Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh thuốc lá:
+ Điều khoản cần quy định chi tiết: các Điều 20, 21, 22 và Khoản 1 Điều 26 về quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc lá.
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Công thương.
+ Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và một số Bộ, ngành liên quan.
 + Thời gian trình Chính phủ: Quý I/2013.
- Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá:
+ Điều khoản cần quy định chi tiết: Dự thảo Nghị định này được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định tại Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; các quy định về sản xuất, kinh doanh thuốc lá quy định tại Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 và Nghị định số 76/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.
+ Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và một số Bộ, ngành liên quan.
+ Thời gian trình Chính phủ: Quý I/2013.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá:
+ Điều khoản cần quy định chi tiết: Khoản 3 Điều 28 về quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ; Điểm e Khoản 2 Điều 30 về chi phí quản lý hành chính của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.
+ Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ nội vụ, Bộ Công thương và một số Bộ, ngành liên quan.
 + Thời gian trình Thủ tướng Chính phủ: Quý I/2013.
          2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá:
          - Mục đích:
          + Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.
          + Góp phần tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá đã được quy định trong Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.
        - Yêu cầu:
        + Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai các hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng cần tác động.
        + Kết hợp với các chương trình, đề án khác có liên quan về phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng, chống tác hại thuốc lá trong quá trình tổ chức thực hiện.
        - Nội dung tuyên truyền, phổ biến:
        + Những nội dung chủ yếu của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức người đứng đầu, người quản lý trong phòng, chống tác hại thuốc lá.
        + Nội dung cơ bản của Công ước khung phòng, chống tác hại thuốc lá.
        + Các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai pháp luật về phòng phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác này.
        - Hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến:
        - Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá bằng hình thức giáo dục, giải thích tác hại thuốc lá đến người dân theo từng địa phương, từng khu vực, đến các nhóm đối tượng phù hợp.
        - Thực hiện tốt việc xử lý vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.
        - Xây dựng panô, áp phích, tranh ảnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các nơi công cộng như trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính, địa điểm chờ xe buýt, nhà ga, sân bay, các phương tiện giao thông công cộng như tàu, thuyền, máy bay...
        - Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 và tiếp tục duy trì thường xuyên.

Tóm lại, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua và được Chủ tịch nước công bố là một sự kiện hết sức quan trọng. Luật đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về PCTHTL, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTHTL trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên, góp phần hạn chế bệnh tật,nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
 

[1] Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) - 2010.
[2] Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hoa Kỳ, (2006).
[3] Cung cấp các bằng chứng khoa học về bệnh tật và tử vong cho quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam (2011), Trường Đại học y tế cộng cộng, Viện Chiến lược và chính sách y tế, Trường Đại học Queensland (Úc).
[4] Hội Ung thư Hoa Kỳ - Tobaco Atlas (số 3,2009).
[5] Mackay J, Eriksen M, Shafey O. Tobacco Atlas. Second Edition. 2006. trang 42-43. 
[6] Hội Ung thư Hoa Kỳ - Tobaco Atlas (số 3,2009).
[7] Điều tra mức sống dân cư 1997-1998.
[8] Minh HV,Giang KB, Bich NN, Huong NT: Tobacco Farming in Rural Vietnam: Questionable Economic Gain but Evident Health Risk. (Trồng thuốc lá ở Việt Nam. Lợi ích kinh tế chưa rõ những nguy cơ sức khỏe thì đã có bằng chứng). BMC Public Health 2009, 9(1): 24.
[9] Mackay J, Eriksen M, Shafey O. Tobacco Atlas. Second Edition. 2006. trang 42-43.
[10] Bộ Y tế - Kết quả điều tra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2004.
[11] Kết quả  điều tra về thực trạng kinh doanh thuốc lá, Trường Đại học Y tế công cộng, năm 2010.
[12] Báo cáo tổng quan pháp luật về PCTHTL (2011), Bộ Y tế.
[13] Hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về PCTHTL năm 2008 - Vụ Pháp chế Bộ Y tế.
[14] WHO, 2008. Báo cáo của WHO  về đại dịch thuốc lá toàn cầu-2008: MPOWER package.
[15] Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS) - 2010.
[16] Ibid.
[17] Báo cáo đánh giá tác động của Dự án Luật PCTHTL, Bộ Y tế.
[18] Báo cáo nghiên cứu về tình trang vi phạm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá tại Việt Nam. VINACOSH và CDS tiến hành 2009.