Với 24 Điều và 08 Phụ lục, Quy chế đã quy định cụ thể về việc lập Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Cục Hàng không Việt Nam chủ trì soạn thảo; Soạn thảo, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng không dân dụng; Rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng không dân dụng; Triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật quốc tế về hàng không dân dụng.
Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,hàng năm, các Phòng, Văn phòng, Thanh tra Hàng không và các đơn vị khác thuộc Cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình và yêu cầu thực tế đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của năm sau gửi về Phòng Pháp chế - Hợp tác quốc tế vào thời gian theo quy định. Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 4 của Quy chế.
Cơ quan, đơn vị thuộc Cục khi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định phải thực hiện các công việc sau đây: tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong ngành về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định; đăng tải bản thuyết minh về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định và báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản trên Trang thông tin điện tử của Cục Hàng không Việt Nam trong thời gian ít nhất 20 ngày; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định trên cơ sở các ý kiến góp ý.
Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật được thựchiện theo quy định tại Thông tư số 25/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 27/12/2011 về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản pháp luật liên tịch.
Mẫu văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng ban hành và liên tịch ban hành theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 và 4 của Thông tư số 21/2012/TT-BGTVT ngày 26/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Kế hoạch triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các nội dung: Kế hoạch soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu văn bản quy phạm pháp luật là luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ);Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật cho các đối tượng liên quan; Kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan soạn thảo thực hiện chế độ báo cáo về tình hình triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về Phòng Pháp chế - Hợp tác quốc tế.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục có trách nhiệm hàng quý rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Trong quá trình rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, khi phát hiện văn bản trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, cơ quan, đơn vị phải kịp thời trình Cục trưởng xem xét, báo cáo Bộ trưởng.
Sau ba (03) năm, kể từ ngày luật, pháp lệnh, nghị định có hiệu lực, cơ quan soạn thảo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp và Phòng Pháp chế - Hợp tác quốc tế tổ chức đánh giá tác động của văn bản trong thực tiễn, đối chiếu với kết quả đánh giá tác động trong giai đoạn soạn thảo để xác định tính hợp lý, tính khả thi của các quy định. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo báo cáo với Lãnh đạo Cục để kiến nghị với Bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả của văn bản hoặc hoàn thiện văn bản.
Nội dung chi tiết xem tại mục “hệ thống văn bản”./.