Mục đích của việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và tình hình phát triển kinh tế xã hội, đồng thời việc rà soát hệ thống hóa nhằm công bố Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản, giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật được hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Theo Nghị định, có năm hình thức văn bản được rà soát gồm: đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản; thay thế văn bản; sửa đổi, bổ sung văn bản; ban hành văn bản mới. Cụ thể, đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản được áp dụng trong trường hợp văn bản được rà soát nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế kịp thời và tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bãi bỏ toàn bộ văn bản được áp dụng trong trường hợp đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn hoặc toàn bộ quy định của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để thay thế.
Bãi bỏ một phần văn bản được áp dụng trong trường hợp một phần đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn hoặc một phần nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.
Trường hợp ban hành văn bản chỉ có nội dung bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản được rà soát thì cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản chính để bãi bỏ. Văn bản bị bãi bỏ phải được đưa vào danh mục để công bố theo quy định.
Văn bản bãi bỏ văn bản ở Trung ương và cấp tỉnh phải được đăng công báo và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan rà soát. Văn bản bãi bỏ văn bản ở cấp huyện và cấp xã phải được niêm yết tại trụ sở cơ quan rà soát và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan rà soát (nếu có).
Thay thế văn bản được áp dụng trong trường hợp toàn bộ hoặc phấn lớn nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Sửa đổi, bổ sung văn bản được áp dụng trong trường hợp một phần nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Ban hành văn bản mới được áp dụng trong trường hợp qua rà soát phát hiện có quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc có quan hệ xã hội cần điều chỉnh nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh.
Hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát văn bản, không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát, kịp thời xử lý kết quả rà soát và tuân thủ trình tự thủ tục thực hiện hệ thống hóa. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo và văn bản do cơ quan, tổ chức, đại biểu quốc hội trình có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Văn bản được sử dụng để rà soát, hệ thống hóa theo thứ tự ưu tiên: bản gốc, bản chính, văn bản đăng trên báo in và công báo điện tử, bản sao y bản chính, bản sao lục của cơ quan, người có thẩm quyền.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các nội dung về trình tự, thủ tục hệ thống hóa văn bản.
Nội dung hệ thống hóa văn bản bao gồm tập hợp các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa; kiểm tra lại kết quả rà soát thường xuyên văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa và rà soát bổ sung; sắp xếp các văn bản còn hiệu lực theo các tiêu chí đã được xác định; công bố các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực.
Việc định kỳ hệ thống hóa văn bản phải được cơ quan hệ thống hóa văn bản lập thành kế hoạch.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Bãi bỏ Điều 62 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 12 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quy định trước đây trái với Nghị định này./.