Ngày 18/6/2012, tại kỳ họp thứ 03, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.
Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành riêng một chương (Chương X) quy định về chế độ làm việc đối với lao động là nữ.
Nhà nướcbảo đảm quyền làm việc bình đẳng đối với lao động nữ. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình; Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế; Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ và có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ.
Đối với quy định về chế độ thai sản đối với lao động nữ, Bộ luật đã điều chỉnh về thời gian nghỉ thai sản. Cụ thể, từ ngày 01/05/2013, thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con của lao động nữ được tăng lên 06 tháng thay vì 04 tháng như quy định hiện hành.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trường hợp có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 04 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Bộ luật lao động cũng quy định về các nội dung: Bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản;Trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm, khám thai, thực hiện các biện pháp tránh thai;Công việc không được sử dụng lao động nữ;Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ; Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ.
Bộ luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2013. Kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực thi hành: các quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 01/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.
Bộ luật lao động ngày 23/6/1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 35/2002/QH10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 74/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động số 84/2007/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực ./.