Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương cho biết, trong số 9-10 cơn bão thì có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp lên đất liền Việt Nam. Con số này thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1-2 cơn. Tuy nhiên, Trung tâm cảnh báo cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc áp thấp nhiệt đới, bão dồn dập trong thời đoạn ngắn.
Cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm nay, Việt Nam đã xuất hiện cơn bão Kajiki trên khu vực phía đông Philippines, sau khi vào biển Đông suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đây cũng là áp thấp nhiệt đới đầu tiên trong năm nay. Nó tan trên vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa và không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Về nhiệt độ, Trung tâm Khí tượng cho biết, nền nhiệt tháng 3 và 4 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tây Bắc Bộ ở mức cao hơn chút. Từ tháng 5 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình cả nước phổ biến ở mức cao hơn so với nhiều năm cùng thời kỳ.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm, đặc biệt ở các tỉnh phía tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Số đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ có thể tập trung nhiều từ tháng 5 đến tháng 7; ở Trung Bộ còn có thể kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8/2014.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, từ cuối năm ngoái đến 10 ngày đầu tháng ba năm nay, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 50-90% so với trung bình nhiều năm, thậm chí nhiều nơi còn không xuất hiện mưa.
Do ít mưa trong các tháng đầu mùa khô, nên dòng chảy trên các sông ở ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiếu hụt, mực nước vùng hạ lưu xuống thấp. Trong đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 15-40%; Trung Trung Bộ đạt 10-50%; Nam Trung Bộ giảm 30-85%.
Mực nước bình quân tháng ở các khu vực đều thấp hơn so với với trung bình nhiều năm, một số sông có mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Cả tại Yên Thượng; trên sông Mã tại Lý Nhân.
Cơ quan khí tượng nhận định, tình trạng thiếu nước, khô hạn ở Trung Bộ đến cuối tháng 8 mới dần được cải thiện; còn Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến cuối tháng 5 đầu tháng 6. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng và chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn ở các khu vực trên.
|
(Vnexpress)