Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng

Thứ Ba, 17/07/2012 - 13:08 GMT+7

 Ngày 20/06/2012, tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 gồm 142 điều trên cơ sở kế thừa và tiếp thu có chọn lọc so với các quy định hiện hành. Luật dành ra một chương quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngày 30 tháng 10 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Nghị định gồm 4 chương, 34 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

So với Nghị định cũ (Nghị định số 60/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng), Nghị định lần này đã bổ sung đối tượng có thẩm quyền xử phạt là Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng đoàn Thanh tra,Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không và mức phạt tiền cũng được tăng lên đáng kể.

alt image
 
Đối với Chánh Thanh tra Cục HKVN, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành  của Cục Hàng không Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 50 triệu; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính- Khoản 1- Điều 28: (Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật…)

Đối với Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 70 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá 70 triệu đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Luật xử lý vi phạm hành chính (khoản 1- Điều 28).

Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 100 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá 70 triệu đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Luật xử lý vi phạm hành chính (khoản 1- Điều 28).

Ngoài ra, Nghị định quy định đối với thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng;  tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá 500.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 28, khoản 1- điểm a, c và điểm đ - Luật xử lý vi phạm hành chính: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
Đối với Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; ; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá 25 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a,b,c,đ, i và k- Khoản 1- Điều 28- Luật xử lý vi phạm hành chính: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
Trưởng đại diện Cảng vụ hàng không có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 10 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá 10 triệu.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2103 và thay thế Nghị định số 60/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng./.