Một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BGTVT ngày 11/10/2010 của Bộ GTVT về soạn thảo, thẩm định, ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Sáu, 03/08/2012 - 17:17 GMT+7

 Ngày 26/6/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 21/2012/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BGTVT ngày 11/10/2010 của Bộ GTVT về soạn thảo, thẩm định, ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, đối tượng áp dụng đã được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn về nội dung, đó là áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập Chương trình xây dựng, soạn thảo, thẩm định, ban hành, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và triển khai thực hiện, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về trình tự soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư mới đã bổ sung thêm một nội dung, đó là: Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản là Cục trình Bộ dự thảo Đề cương chi tiết văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan tham mưu trình Thứ trưởng phụ trách ký công văn chấp thuận Đề cương chi tiết trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình dự thảo Đề cương chi tiết; trường hợp không chấp thuận dự thảo Đề cương chi tiết phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do, hướng giải quyết. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đồng thời là cơ quan tham mưu trình, cơ quan tham mưu trình Thứ trưởng phụ trách dự thảo Đề cương chi tiết văn bản quy phạm pháp luật. Mẫu văn bản trình dự thảo Đề cương chi tiết quy định tại Phụ lục 3b và mẫu văn bản chấp thuận Đề cương chi tiết quy định tại Phụ lục 3c của Thông tư.
Đối với trình tự tiếp nhận hồ sơ và chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Cục chủ trì soạn thảo văn bản trình Bộ, Thông tư đã bổ sung nội dung: Cơ quan tham mưu trình văn bản gửi Hồ sơ xin ý kiến dự thảo văn bản bằng hai phương thức: qua Trang thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải và bằng văn bản. Hồ sơ xin ý kiến dự thảo văn bản bao gồm các tài liệu: Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải khi có dự thảo văn bản mới); Dự thảo Tờ trình dự thảo văn bản hoặc bản thuyết minh những nội dung cơ bản của dự thảo văn bản. Đối với những văn bản được sửa đổi, bổ sung thì phải nêu rõ những nội dung sửa đổi, bổ sung và căn cứ, lý do của việc sửa đổi, bổ sung; Những vấn đề cần xin ý kiến;Tổng hợp ý kiến tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp (sau khi Thứ trưởng chủ trì họp và thống nhất quan điểm của Bộ về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Ngoài ra, Thông tư mới đã bổ sung một chương về triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật: quy định trách nhiệm triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Báo cáo tình hình triển khai thực hiện và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Thông tư mới thay thế các Phụ lục 1, 2, 3, 4 và 10b của Thông tư số 32/2010/TT-BGTVT ngày 11/10/2010 bằng các Phụ lục 1, 2, 3, 4 và 5 tương ứng ban hành kèm theo Thông tư và Bổ sung các Phụ lục 3a, 3b, 3c, 6 và 7.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2012 ./.