Nghị định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Thứ Hai, 06/08/2012 - 10:36 GMT+7

 Ngày 23/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Với mục đích theo dõi tình hình thi hành pháp luật để xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nghị định đã nêu ra các nguyên tắc: khách quan, công khai, minh bạch; Thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; Kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo lĩnh vực và theo địa bàn; Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật; không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định.
Cơ sở của việc xem xét, đánh giá nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật gồm: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật (Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết, tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật, tình hình tuân thủ pháp luật); Tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật (tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật, tính phù hợp của tổ chức bộ máy, mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật, mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật); Tình hình tuân thủ pháp luật (tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền, tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền, mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân).
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Ban hành Chỉ tiêu thống kê ngành làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định này; Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định; Bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công và có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Nguồn kinh phí cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012./.