Cùng dự cuộc họp có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương
Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng
Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ
Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo các bộ, ngành, địa
phương.
Trước đó, tại lễ khởi công sân
bay Gia Bình giai đoạn 1 vào tháng 12/2024, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan
nghiên cứu, triển khai đường kết nối giữa sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội,
chậm nhất trong tháng 6/2025 phải có phương án về tuyến đường này.
Với mục tiêu xây dựng sân bay đa năng, lưỡng dụng, có
chức năng sân bay chuyên dùng tương đương cấp 4E, sân bay Gia Bình là công
trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống các
công trình quốc phòng-an ninh.
Khi hoàn thành, sân bay sẽ
phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân Công an nhân
dân, dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc
phòng), dự bị cho các cảng hàng không, sân bay trong khu vực khi có tình huống
khẩn cấp; định hướng đảm bảo hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại tàu bay cánh bằng
loại lớn; đồng thời vận tải hàng hóa, hành khách khi có yêu cầu và đủ điều
kiện.
Sau khi đại diện Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải,
TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và các đại biểu báo cáo, thảo luận, phát biểu tại
cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng
là các vùng động lực tăng trưởng, Hà Nội và TPHCM là các cực tăng trưởng của cả
nước.
Khu vực Đông Nam Bộ đang xây
dựng sân bay Long Thành với tiến độ rất khẩn trương, các dự án giao thông kết
nối giữa sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang được thúc đẩy,
qua đó giải quyết một bước quan trọng bài toán giao thông tại TPHCM nói riêng
và Đông Nam Bộ nói chung.
Ở miền Bắc, các vùng động lực, các cực tăng trưởng nằm
tại đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hà Nội hiện mới có 1 sân bay lớn là Nội Bài,
vừa qua đã khởi công thêm nhà ga nhưng với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì vẫn
quá tải. Do đó, yêu cầu đặt ra phải có thêm một sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ
an ninh quốc phòng, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giảm tải cho sân bay Nội
Bài.
Thủ tướng nêu rõ, việc quy
hoạch, xây dựng sân bay Gia Bình tầm cỡ quốc tế, cấp 4E là có cơ sở thực tiễn,
cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý rất rõ; vừa qua đã khởi công giai đoạn 1. Thủ
tướng yêu cầu phải nghiên cứu triển khai ngay giai đoạn 2 trong lúc đang xây
dựng giai đoạn 1, làm luôn khi đang "sẵn nong sẵn né" để tiết kiệm
thời gian, công sức và nguồn lực, chống lãng phí.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần nghiên cứu hướng
tuyến, phương án kết nối, xây dựng tuyến đường kết nối giữa sân bay Gia Bình
với trung tâm Hà Nội nhanh nhất, thẳng nhất, đẹp nhất, hiệu quả nhất. Yêu cầu
hoàn thành tuyến đường này trong thời gian nhiều nhất trong 2 năm, Thủ tướng chỉ
rõ, đây cũng là công trình có ý nghĩa quan trọng để quảng bá hình ảnh đất nước
với bạn bè, đối tác quốc tế, kêu gọi đầu tư và thu hút du lịch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng
chỉ đạo xây dựng, phát triển trung tâm logistics tại sân bay theo hướng hiện
đại, thông minh, phát triển thương mại điện tử.
Thủ tướng nêu rõ, tất cả những
việc nói trên phải làm nhanh, kịp thời, hiệu quả, đỡ tốn kém nhất, có những nội
dung cần đi tắt đón đầu, những gì luật pháp đã cho phép thì thực hiện theo đúng
quy định, đồng thời nghiên cứu xem xét, đề xuất bổ sung một số cơ chế đặc biệt,
đặc thù, thẩm quyền cấp nào thì cấp đó quyết; tinh thần là làm nhanh nhưng bảo
đảm chất lượng, an toàn, bảo đảm môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, đạt được các
mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
(Chinhphu.vn)