Theo đó, Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý của Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) theo quy định. Trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể.
Lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
Thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, phí, lệ phí chuyên ngành hàng không theo đúng quy định và thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính đối với cơ quan nhà nước. Các đơn vị phải chủ động cân đối, sắp xếp nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được giao để thực hiện nhiệm vụ.
Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước, phí, lệ phí chuyên ngành hàng không được giao trong năm, số thực hiện năm trước, các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung chi cụ thể như: văn phòng phẩm, cước phí thông tin liên lạc, sử dụng điện, nước, xăng dầu, công tác phí, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi mua sắm, sửa chữa, tài sản, trang thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng các dự án, quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ...
Tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan. Đơn vị phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, đảm bảo thực hiện đúng các thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ thực hiện dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao.
Ngoài ra, Cục HKVN cũng yêu cầu Trưởng các phòng nghiệp vụ, chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan đến quản lý đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục HKVN, trước pháp luật về tình trạng lãng phí xảy ra đối với công trình, dự án do mình quản lý, tham mưu thẩm tra, tham mưu phê duyệt thực hiện.
Rà soát các khoản tạm ứng đảm bảo việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật; hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo chất lượng và tiến độ của công tác quyết toán dự án hoàn thành theo đúng kế hoạch được Bộ GTVT giao. Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu của quá trình đầu tư, đấu thầu. Từ đó kịp thời phát hiện ra những sai phạm và tránh thất thoát, lãng phí.
Triển khai thực hiện nghiêm Luật Quản lý tài sản công, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức về quản lý, sử dụng tài sản công làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công theo đúng quy định.
Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm hiệu quả, công khai, minh bạch; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua mạng đấu thầu quốc gia.
Thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát, lãng phí tài sản.
Hoàn thành công tác tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và tiếp tục cập nhập đầy đủ thông tin về tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Thực hiện nghiêm chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các Nghị quyết, Kết luận của Bộ chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường kỷ luật công vụ; kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm các nhân của cán bộ, công chức trong xử lý công việc.
Minh bạch hóa quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát chất lượng và bảo đảm hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ…/.