Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của nước chủ nhà Ma-lai-xia và Ban thư ký ASEAN, với sự tham gia đầy đủ của 11 nước thành viên ASEAN và các đối tác, các nội dung và kết quả hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đã được đưa ra thảo luận và báo cáo tại hội nghị.
Thảo luận nội dung hợp tác trong lĩnh vực hàng không, hội nghị ghi nhận nỗ lực của các nước ASEAN nhằm mục tiêu thúc đẩy tự do hóa hơn nữa vận chuyển hàng không giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong các hiệp định hàng không khu vực đã ký kết (với Trung Quốc) và đang trong quá trình đàm phán (với Nhật Bản, Hàn Quốc) giữa ASEAN và các đối tác này.
Hội nghị cũng ghi nhận và thông qua dự thảo Hiệp định hàng không giữa ASEAN và New Zealand (ANZ-ASA) và Nghị định thư thực hiện 1 (Protocol 1) của Hiệp định đã được các bên hoàn thành rà soát pháp lý về nội dung. Hiệp định dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2025.
Trong lĩnh vực quản lý hoạt động bay, Hội nghị cũng điểm lại và ghi nhận những kết quả tích cực của các nước ASEAN trong việc triển khai Kế hoạch tổng thể Quản lý hoạt động bay ASEAN nhằm hướng tới Bầu trời ASEAN thông suốt. Hội nghị cũng ghi nhận sự cần thiết tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể Quản lý hoạt động bay ASEAN (Phiên bản 3 sửa đổi) và hướng tới việc xây dưng Phiên bản 4 của Kế hoạch tổng thế này.
Trong lĩnh vực môi trường, Hội nghị ghi nhận các kết quả thực hiện Kế hoạch công tác (giai đoạn 2023-2024) của Kế hoạch hành động phát triển hàng không bền vững trong ASEAN (ASAAP) và thống nhất sẽ xây dựng Kế hoạch công tác cho giai đoạn 2025-2025 trình Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng không ASEAN (ATWG) trong năm 2025. Hội nghị ghi nhận những tiến bộ trong việc triển khai xây dựng Lộ trình thực hiện phát triển hàng không bền vững trong ASEAN, tập trung vào mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng và sản xuất nhiên liệu bền vững (SAF) trong ASEAN, hướng tới mục tiêu của ICAO giảm phát thải 5% trước năm 2030 và giảm phát thải ròng toàn cầu (net zero) đến trước năm 2050 thông qua việc sử dụng SAF, nhiên liệu các-bon thấp (LCAF) và các nguồn năng lượng xanh khác trong hoạt động hàng không.
Cũng tại Hội nghị ATM 30 lần này, Việt Nam cũng với các nước Căm-pu-chia, Lào, Phi-líp-pin, Xing-ga-po và Thái Lan đã ký chính thức Nghị định thư 5 về Quyền vận chuyển tạm dừng giữa các điểm trong lãnh thổ của bất kỳ Quốc gia thành viên ASEAN khác. Nghị định thư về Quyền vận chuyển tạm dừng nhằm tiếp tục thực hiện Lộ trình xây dựng thị trường hàng không thống nhất ASEAN (ASAM), tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho hành khách và góp phần mở rộng và tăng cường kết nối hàng không giữa các nước ASEAN.
(Phòng PC-HTQT)