Ngày
10/11, giới chức Indonesia thông báo các vụ phun trào của núi lửa Lewotobi
Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, từ ngày 4/11 đến nay đã khiến
9 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến ít nhất gần 10.300 người dân trong khu vực.
Một
số sân bay tại tỉnh Đông Nusa Tenggara phải tạm thời ngừng hoạt động và hàng chục
chuyến bay bị hủy.
Do
hoạt động của núi lửa tăng mạnh từ ngày 7-9/11, bán kính vùng nguy hiểm do sự
phun trào của núi lửa Lewotobi Laki-Laki đã mở rộng lên 9km ở khu vực Tây
Nam-Tây Bắc và 7km tính từ đỉnh miệng núi lửa.
Theo
trạm quan sát núi lửa của Cơ quan Địa chất tại Đông Flores, núi lửa phun trào cột
tro bụi cao tới 9km tính từ đỉnh núi và 10km so với mực nước biển.
Người
đứng đầu Cơ quan Địa chất thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM),
Muhammad Wafid khuyến cáo người dân trong vùng nguy hiểm tuân thủ nghiêm ngặt
những hướng dẫn của chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn.
Tuy
nhiên, cơ quan này nhấn mạnh mặc dù hoạt động của núi lửa Lewotobi Laki-Laki
gia tăng, nhưng các số liệu phân tích cho thấy không có khả năng gây ra sóng thần.
Dữ liệu địa chấn từ núi Lewotobi Laki-Laki những ngày qua đã ghi nhận 20 trận động đất, 23 trận rung chấn, 3 trận động đất núi lửa nông, 11 trận động đất núi lửa sâu và các trận rung chấn liên tục với biên độ từ 1,4-17,7mm. Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết đã phải tăng số lượng địa điểm sơ tán do số lượng lớn người sơ tán tăng lên.
Một số trường học, các cơ sở công cộng đã được huy động làm nơi trú ẩn cho người dân. Các lều trú ẩn cũng được tăng cường đến khu vực này cùng với các nhu yếu phẩm cơ bản, như thực phẩm, thuốc men và các thiết bị, bao gồm cả nước sạch và nhà vệ sinh di động. BNPB cũng kêu gọi người dân địa phương giữ bình tĩnh, tuân thủ chỉ thị của chính phủ và giới chức địa phương./.
(TTXVN/Vietnam+)