Phát triển 5 tuyến du lịch khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thứ Năm, 08/08/2024 - 10:06 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh, các đơn vị, địa phương nghiên cứu xây dựng 5 tuyến du lịch để khai thác lợi thế sân bay Long Thành.

Tại Hội nghị về phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai diễn ra chiều 7/8, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã đặt ra nhiều nội dung yêu cầu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.


Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác năm 2026. Giai đoạn này, dự kiến Sân bay Long Thành sẽ đón 70.000 lượt khách/ngày; đến giai đoạn 2 sẽ đón 300.000 lượt khách/ngày.


“Đây là một lợi thế mà ít địa phương nào có được. Đồng Nai cần chuẩn bị tốt nhất về hạ tầng, sản phẩm, dự án du lịch để khai thác lợi thế lượng khách quốc tế đến với địa phương sau khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác,” ông Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh, các đơn vị, địa phương nghiên cứu xây dựng 5 tuyến du lịch để khai thác lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành.


Cụ thể, tuyến du lịch từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu; tuyến Sân bay Long Thành đi Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú kết nối với Đà Lạt (Lâm Đồng); tuyến Sân bay Long Thành đi thành phố Long Khánh, Xuân Lộc, kết nối với Phan Thiết (Bình Thuận); tuyến Sân bay Long Thành đi Cẩm Mỹ, kết nối với Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu); tuyến Sân bay Long Thành đi Nhơn Trạch, Long Thành để khai thác hệ thống rừng ngập mặn, rừng sinh thái rừng Long Thành, các điểm du lịch trên sông.


Đối với các sản phẩm du lịch cụ thể, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề xuất vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Miền Nam 30/4 năm 2025 tới, tỉnh Đồng Nai nghiên cứu tổ chức lễ hội khinh khí cầu, lễ hội gốm kết hợp với lễ hội kèn đồng.


“Đây là những lợi thế của địa phương. Chúng ta có hồ Trị An để tổ chức lễ hội khinh khí cầu, có làng nghề truyền thống gốm Biên Hòa; hơn 3.000 người trẻ chuyên thổi kèn đồng tại các giáo xứ trên địa bàn. Đây những một lợi thế, đặc trưng để thu hút khách du lịch mà không địa phương nào có được. Phải làm sao để người dân, du khách không chỉ biết đến Đồng Nai với lao động công nghiệp mà còn có những nét đặc trưng của một vùng đất giàu văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên đẹp,” ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.


Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện hệ thống đường cao tốc, đường vành đai đã và đang hoàn thành là lợi thế để tỉnh thu hút khách du lịch. Đáng chú ý là việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây; khởi công xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, dự án đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh.


Tái khởi động thi công dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây-Tân Phú và Tân Phú-Bảo Lộc; triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4-Thành phố Hồ Chí Minh; dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú đến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.


Đây là những lợi thế giúp Đồng Nai kết nối với hệ thống giao thông nội tỉnh đến các khu, điểm du lịch nhằm thu hút du khách trong thời gian tới.


Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh có 135 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 3.712 phòng (trong đó 14 cơ sở được xếp hạng từ 1 đến 5 sao). Số doanh nghiệp lữ hành nội địa 47 đơn vị, doanh nghiệp lữ hành quốc tế 14 đơn vị.


Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai một số dự án trọng điểm du lịch trên địa bàn như: Dự án Thác Mai-Bàu nước sôi; khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu núi Chứa Chan và hồ Núi Le; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành; dự án du lịch rừng phòng hộ Tân Phú...


Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho hay, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung khai thác các phân khúc thị trường khách du lịch, các sản phẩm mà Đồng Nai có thế mạnh như: Du lịch golf, du lịch sinh thái rừng, du lịch tham quan, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực...


Thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, 7 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Đồng Nai đón hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng 17,8%; doanh thu dịch vụ du lịch trên địa bàn đạt 1.385 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó khách lưu trú đạt 434.000 lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; khách quốc tế đạt 61.784 lượt, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)