Tập đoàn IAG đặt mua máy bay Airbus trị giá gần 2 tỷ USD

Thứ Sáu, 01/07/2022 - 13:41 GMT+7

Các máy bay Airbus A320neo và A321neo dự kiến được bàn giao vào năm 2024 và 2025, thay thế các máy bay A320ceo cũ hơn trong đội bay chặng ngắn của IAG.

Ngày 30/6, công ty mẹ IAG của hãng hàng không British Airways cho biết họ đã đặt hàng 11 máy bay Airbus A320neo và 3 chiếc A321neo trị giá 1,7 tỷ USD, giữa lúc lĩnh vực hàng không đang tìm cách phục hồi sau đại dịch.

 

Tập đoàn IAG, cũng sở hữu hãng hàng không quốc gia Ireland Aer Lingus và hãng hàng không quốc gia Tây Ban Nha Iberia, đã thay đổi các lựa chọn để mua máy bay một lối đi tiết kiệm nhiên liệu sau khi thương lượng mức chiết khấu "đáng kể."

 

Các máy bay theo đơn đặt hàng này dự kiến được bàn giao vào năm 2024 và 2025, thay thế các máy bay A320ceo cũ hơn trong đội bay chặng ngắn của IAG.

 

Tập đoàn này cho biết: "Những chiếc máy bay hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu hơn sẽ mang lại cả hiệu quả về chi phí và lợi ích về môi trường cho các hãng hàng không của IAG."

 

Thông tin trên là một động lực cho Airbus, sau khi IAG hồi tháng trước đã đặt hàng 50 máy bay phản lực 737 MAX tiết kiệm nhiên liệu trị giá 6,25 tỷ USD từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ là Boeing (Mỹ). Thỏa thuận với Boeing là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chiếc máy bay MAX gặp khủng hoảng sau hai vụ tai nạn chết người vào năm 2018 và 2019.

 

Hàng loạt đơn đặt hàng được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực hàng không có dấu hiệu phục hồi, sau khi bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.Hãng hàng không giá rẻ EasyJet của Anh trong tháng này đã thực hiện các lựa chọn mua 56 máy bay A320neo trị giá 6,5 tỷ USD và dự kiến được giao hàng trong khoảng thời gian từ năm 2026 đến năm 2029.

Hồi tháng Năm vừa qua, IAG đã dự báo rằng họ sẽ đưa lợi nhuận trở lại trong năm nay sau khi thu hẹp các khoản lỗ do đại dịch gây ra , giữa bối cảnh nhiều nước đã nới lỏng các hạn chế đi lại. Tập đoàn này đã rơi vào cảnh thua lỗ trong giai đoạn 2020- 2021, khi đại dịch COVID-19 khiến các máy bay ngừng hoạt động và nhu cầu đi lại giảm sút mạnh.

 

Tuy nhiên, các hãng hàng không và các sân bay hiện đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đủ nhân viên sau khi đại dịch hoành hành khiến ngành công nghiệp này cắt giảm hàng nghìn việc làm.

 

Trong bối cảnh đó, các nhân viên của British Airways tại sân bay Heathrow ở London (Anh) vào tuần trước đã bỏ phiếu phản đối mức lương được chi trả, vì lạm phát tăng cao làm “xói mòn” tiền lương và gây ra tình trạng bất ổn trong nhiều lĩnh vực.

 

Các tổ chức công đoàn cho biết, điều này đang đe dọa dẫn tới một "mùa Hè đình công" khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh ngày càng trở nên trầm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)