Khó khăn khi đi lại qua đường hàng không ở châu Âu trong mùa Hè

Thứ Năm, 30/06/2022 - 09:23 GMT+7

Các sân bay châu Âu đang oằn mình ứng phó với chi phí tăng vọt về năng lượng và nhân sự, vốn chiếm 45% ngân sách hoạt động, trong khi các phong trào đình công có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Hành khách sẽ phải xếp hàng dài hơn tại các nhà ga ở châu Âu, do đó, để tránh mọi trục trặc có thể xảy ra, hành khách “nên đến sớm hơn thường lệ.” Đây là khuyến cáo của ông Olivier Jankovec, người đứng đầu khu vực châu Âu của Hội đồng sân bay quốc tế.

 

Khuyến cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), vừa đưa ra thông cáo khẳng định hoạt động hàng không bắt đầu có dấu hiệu năng động trở lại kể từ tháng Hai vừa qua, sau thời gian đình đốn kéo dài vì dịch COVID-19.

 

Dù phải đợi đến năm 2024, hoạt động hàng không mới có thể trở lại mức được ghi nhận vào năm 2019, song giai đoạn mùa Hè này sẽ chứng kiến sự bùng nổ đầu tiên về nhu cầu, tạo đà phục hồi mạnh mẽ cho các hãng hàng không châu Âu.

 

Giới chuyên gia nhận định hiện rất khó để đưa ra bức tranh toàn cảnh về sự bùng nổ này, bởi các sân bay châu Âu hiện đang rơi vào tình cảnh không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong tháng Bảy và tháng Tám.

 

Trên thực tế, hiện cuộc khủng hoảng y tế vẫn đang tác động đến hoạt động của các sân bay, trong khi các phong trào đình công có thể làm phức tạp thêm tình hình.

 

Một số sân bay lớn của châu Âu đã phải điều chỉnh dự báo lưu lượng hành khách trong những tháng tới. Đơn cử tại sân bay Schipol ở Amsterdam (Hà Lan), nhà chức trách đã buộc phải áp đặt giới hạn hành khách hằng ngày đối với các hãng hàng không, do tình trạng thiếu nhân viên an ninh và bảo vệ.Theo IATA, trong suốt thời gian đại dịch, khoảng 2,3 triệu nhân viên làm tại các nhà ga hàng không trên khắp thế giới đã nghỉ việc, chuyển sang các lĩnh vực khác. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế ghi nhận những tín hiệu tích cực ở châu Âu, các sân bay vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng.

 

Ông Jankovec nhấn mạnh tất cả các sân bay châu Âu đều đang oằn mình ứng phó với chi phí tăng vọt về năng lượng và nhân sự, vốn chiếm khoảng 45% ngân sách hoạt động. Lạm phát cũng khiến giá các nguyên vật liệu liên quan đến hoạt động của các cảng hàng không tăng thêm từ 50-80%.


(Hành khách chờ đợi tại quầy làm thủ tục của hãng hàng không Ryanair ở sân bay Charleroi (Bỉ), khi các nhân viên của hãng này tham gia đình công, ngày 24/6/2022).

 

Các hãng hàng không châu Âu đều rơi vào tình trạng thiếu nhân viên gay gắt, đặc biệt là các hãng giá rẻ vốn phải cố tăng lương cho đội ngũ nhân sự trong điều kiện lạm phát phi mã. Tình trạng thiếu nhân lực xảy ra tại tất cả các khâu, từ làm thủ tục, tiếp viên, an ninh đến quản lý hành lý...

 

Theo Liên đoàn Vận tải châu Âu (ETF), nguyên nhân là “người lao động phải chịu mức lương thấp, thời gian làm việc dài, trong khi hợp đồng lao động bấp bênh."

 

Chuyên trang Air Journal cho biết tại Đức, nơi đang thiếu khoảng 7.200 nhân viên tham gia vận hành các sân bay khắp cả nước, các công ty buộc phải quay sang tìm nguồn nhân lực ở nước ngoài, trước mắt sẽ tuyển dụng ít nhất 1.000 lao động thời vụ cho mùa Hè này, do không thể tuyển dụng được người trong nước.

 

Thiếu nhân sự đang thực sự gây khó khăn và thiệt hại cho các hãng bay. Chẳng hạn, hãng Lufthansa của Đức phải hủy hơn 3.000 chuyến bay trong mùa Hè vì thiếu nhânviên. Eurowings, một chi nhánh hàng không giá rẻ của Lufthansa, cũng phải hủy hàng trăm chuyến bay đã được lên kế hoạch cho tháng Bảy.

 

Tại Anh, các giới hạn do sân bay Gatwick (London) áp đặt đã buộc EasyJet phải rút 40 chuyến bay khỏi kế hoạch hằng ngày trong tháng Sáu và tháng Bảy, trong khi British Airways đã hủy 8.000 chuyến bay dự kiến trong thời gian từ tháng 3-10/2022.

 

ETF cảnh báo nguy cơ “mùa Hè giận dữ” tại các sân bay châu Âu do các phong trào xã hội. Một số sân bay, chẳng hạn như Heathrow hoặc Paris-Charles-de-Gaulle, có thể duy trì dịch vụ tối thiểu trong trường hợp xảy ra đình công, nhưng đa số các sân bay có thể gặp vấn đề lớn do không thể huy động nhân lực.Chẳng hạn công đoàn Alter - lớn thứ ba tại Air France, đang rất lo lắng về “những mối nguy hiểm nghiêm trọng và tiềm ẩn” xuất phát từ sự mệt mỏi của đội ngũ phi công. Air France đã chứng kiến một cuộc đình công đầu tiên diễn ra trong ngày 25/6 và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong những tháng hè.

 

Giới chức nhận định các cuộc đình công sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các chuyến bay ở châu Âu trong suốt mùa hè này. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, các nhân viên của Ryanair đã lên kế hoạch đình công từ ngày 30/6 đến hết ngày 2/7.

 

Tương tự, các nhân viên của Easyjet cũng lên kế hoạch tiến hành ba đợt đình công ở các sân bay Barcelona, Malaga và Palma trong tháng Bảy.

 

Tình trạng đình công tại các hãng hàng không giá rẻ được mở rộng đến Bỉ, Pháp, Italy và cả Bồ Đào Nha. Do vậy, hành khách đi các tuyến châu Âu được khuyến cáo tìm hiểu kỹ thông tin liên quan trước các chuyến bay vài ngày để tránh những trục trặc hoàn toàn có thể xảy ra./.