Hãng hàng không quốc gia Indonesia đang lên kế hoạch cắt giảm một lượng lớn máy bay thân rộng, đồng thời giữ lại hàng chục máy bay thân hẹp để tập trung vào hãng bay giá rẻ Citilink.
Trang web Flightglobal.com dẫn lời công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium cho biết Garuda đang tìm cách cắt giảm gần 80 máy bay khỏi đội bay của mình và tái đàm phán hoặc hủy đơn đặt hàng hơn 90 chiếc khác.
Theo nguồn tin, "nhằm thực hiện tái cơ cấu các thỏa thuận thuê máy bay của tập đoàn cũng như các khoản nợ khác, Garuda dự kiến sẽ khởi động một kế hoạch dàn xếp."
Kế hoạch dàn xếp là thỏa thuận giữa một công ty và các chủ nợ, thường được sử dụng để giãn nợ cùng với các thủ tục phá sản.
Thông tin trên được công bố sau khi Garuda bị xử thua trong một vụ kiện chống lại 2 công ty cho thuê máy bay Helice SAS và Atterrissage SAS tại Tòa án Trọng tài Quốc tế London (LCIA), trong đó tòa án đã buộc hãng hàng không quốc gia Indonesia thanh toán khoản tiền thuê còn nợ.
Theo kế hoạch cắt giảm đội bay bị rò rỉ, Garuda sẽ loại 10 chiếc Boeing 777-300ER và 7 chiếc A330-200.
Hãng đang sử dụng 10 chiếc Boeing 777-300ER cho đường bay thẳng Jakarta-London được mở vào năm 2014.
Cũng theo nguồn tin này, Garuda cũng đang tìm cách loại bỏ 10 chiếc A330-300 và chỉ giữ lại 8 chiếc thuộc mẫu này. Hãng cũng có kế hoạch hủy đơn đặt hàng đối với 13 máy bay thân rộng A330-800 và A330-900 của Airbus.
Chiếc Boeing 737 MAX duy nhất hiện nay cũng được đồn đoán sẽ bị loại khỏi đội bay của Garuda, trong khi đơn đặt hàng 49 chiếc khác thuộc mẫu này sẽ được thương lượng lại hoặc hủy bỏ.
Các cuộc đàm phán về 49 chiếc Boeing 737 MAX này được cho là đã được khởi động từ năm ngoái.
Garuda được cho là sẽ giữ lại 56 máy bay A320 và A320neo cho hoạt động của hãng hàng không giá rẻ Citilink trực thuộc, song các đơn đặt hàng 25 chiếc A320neo dự kiến sẽ bị hủy bỏ hoặc được đàm phán lại.
Ngoài ra, Garuda cũng được cho là đang có kế hoạch giữ lại các loại máy bay thân hẹp của Boeing, cụ thể là 53 chiếc 737-800, đồng thời loại bỏ 17 chiếc còn lại.
Tất cả các máy bay thân hẹp thuộc các mẫu cũ hơn của Boeing được cho là sẽ bị loại bỏ, ngoại trừ một chiếc đang được Citilink sử dụng.
Trong nửa đầu năm 2021, Garuda tiếp tục gánh chịu khoản lỗ lên tới 12.870 tỷ Rupiah (902 triệu USD), tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái do các lệnh hạn chế đi lại kéo dài.
Trong báo cáo tài chính mới nhất, Garuda cho biết doanh thu của hãng đã sụt giảm 24% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 696,8 triệu USD, trong đó doanh thu chở khách giảm gần một nửa xuống còn 375,3 triệu USD.
Nhằm giải quyết khó khăn, Garuda đã thực hiện một số biện pháp cắt giảm chi phí, trong đó có việc đàm phán lại các hợp đồng thuê máy bay, điều chỉnh các tuyến bay và triển khai chương trình nghỉ hưu sớm, qua đó giúp cắt giảm 15,9% chi phí hoạt động xuống còn 1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.
Hồi tháng 7, trang Diễn đàn Đông Á dẫn lời Chủ tịch Garuda, ông Irfan Setiaputra cho hay tổng số nợ của hãng đã lên tới 70.000 tỷ Rupiah (tương đương 4,9 tỷ USD).
Theo báo cáo tài chính công bố vào tháng 9/2020, tổng nợ phải trả của Garuda lên tới 10,36 tỷ USD, trong khi giá trị tài sản của hãng là 9,9 tỷ USD./.
(Nguồn: TTXVN/Vietnam+)