Airbus kêu gọi Mỹ và EU “đình chiến” về trợ giá máy bay

Thứ Hai, 22/02/2021 - 13:48 GMT+7

Giám đốc điều hành của hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus Guillaume Faury kêu gọi “đình chiến” trợ cấp máy bay, nói rằng việc áp thuế “ăn miếng trả miếng” đối với máy bay và các hàng hóa khác.

Giám đốc điều hành của hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus Guillaume Faury ngày 20/2 kêu gọi “đình chiến” trợ cấp máy bay, nói rằng việc áp thuế “ăn miếng trả miếng” đối với máy bay và các hàng hóa khác đã làm trầm trọng thêm thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra.

Washington đã áp thuế nhập khẩu 15% đối với máy bay Airbus từ năm 2019 sau cuộc tranh chấp kéo dài đưa lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và EU đã đáp trả bằng mức thuế tương ứng đối với máy bay Boeing một năm sau đó. Các mặt hàng rượu vang, rượu whisky và các hàng hóa khác cũng bị ảnh hưởng.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, ông Guillaume Faury nói rằng cuộc tranh chấp thương mại này đã khiến Airbus rơi vào tình thế mà kết quả đều không có lợi cho cả 2 phía.

Do vậy, Airbus đã kêu gọi “đình chiến” và giải quyết cuộc tranh chấp trợ giá này. Trong khi đó, Boeing không đưa ra bình luận gì.

(Biểu tượng Airbus tại trụ sở ở Saint-Martin du Touch, gần Blagnac, ngoại ô Toulouse, Pháp-Ảnh: TTXVN)

Ông Faury cho biết cuộc tranh chấp với Boeing đã gây thiệt hại trong đại dịch COVID-19, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới. Ông cũng bày tỏ quan ngại về việc các lệnh cấm được mở rộng ở châu Âu.

Việc đi lại trong khu vực châu Âu bằng máy bay hiện nay, kể cả ở nội địa của từng quốc gia châu Âu là điều gần như không thể.

Theo đó ông hy vọng các nước sớm mở cửa biên giới trở lại, và cho phép mọi người đi lại với điều kiện có giấy chứng nhận các xét nghiệm âm tính với COVID-19 hoặc đã được tiêm vắcxin.

Các bình luận này được đưa ra khi các doanh nghiệp gia tăng áp lực lên các chính phủ trong việc mở cửa lại nền kinh tế khi việc triển khai vắcxin ngừa COVID-19 đang diễn ra nhanh chóng trên khắp châu Âu.

Tuy vậy, Pháp vẫn bảo vệ các hạn chế biên giới được đưa ra gần đây, nói rằng điều này sẽ giúp chính phủ tránh được một cuộc phong tỏa mới và các biện pháp này sẽ được duy trì cho đến ít nhất là cuối tháng 2/2021.

Đức cũng đã thiết lập hệ thống kiểm soát biên giới với Cộng hòa Czech và Áo vào ngày 13/2, dẫn đến sự phản đối từ Áo và lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngày 20/2, Ba Lan thông báo nước này không loại trừ việc áp đặt các hạn chế tại biên giới đất nước với Slovakia và Czech do số ca mắc COVID-19 ở hai nước này gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)