Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do vi rút SARS - CoV-2 đang ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất máy bay khi hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ thông báo sẽ dừng sản xuất hầu hết các loại máy bay thân rộng trong khi đối thủ Airbus SE (châu Âu) chỉ khôi phục một phần hoạt động sau 4 ngày đóng cửa do các nhà cung cấp cắt giảm lực lượng lao động.
Việc các hãng hàng không không thể hoạt động do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh trước những quan ngại về nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, cùng với những hạn chế đi lại bằng đường hàng không ở nhiều nước, các doanh nghiệp sản xuất máy bay và những nhà cung cấp của họ đang đứng trước sức ép phải tiết kiệm tiền mặt để vượt qua những giai đoạn khó khăn về thanh khoản hiện nay.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody‘s (Mỹ) đã hạ triển vọng của ngành hàng không và quốc phòng từ mức ổn định xuống tiêu cực và cảnh báo rằng, thậm chí ngay cả khi thị trường hồi phục, tình hình tài chính khó khăn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu mua máy bay mới của hầu hết hãng hàng không trên thế giới.
Theo số liệu của OAG, công suất chuyên chở hành khách của ngành hàng không thế giới đã giảm 35% trong tuần qua, số liệu tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra và tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Cirium cho thấy hơn 2.500 máy bay đã phải ngừng hoạt động kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo một số quan chức chính phủ Mỹ, các hãng hàng không lớn của Mỹ đã xây dựng những kế hoạch về khả năng hoạt động giao thông đường không của Mỹ bị tạm ngừng cho dù hiện nay chính phủ Mỹ không có kế hoạch cũng như không xem xét áp dụng một lệnh cấm đi lại ở trong nước để hạn chế sự lan rộng của dịch Covid-19.
Boeing đã phải ngừng hoạt động các dây chuyền lắp ráp chủ chốt lần thứ hai kể từ đầu năm 2020 đến nay sau khi buộc phải dừng sản xuất máy bay B737 MAX hồi tháng một vừa qua.
Hoạt động sản xuất các loại máy bay phục vụ những chặng bay dài như 787 và 777 của Boeing ở Washington sẽ tạm dừng trong 14 ngày kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2020, đồng nghĩa với việc nhà máy sản xuất may bay thân rộng ở Everett phía bắc Seattle phải tạm đóng cửa.
Theo các nguồn tin thân cận, trước tình hình khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, các nghị sỹ Mỹ đang xem xét điều chỉnh một phần trong khủng hoảng 58 tỷ USD tín dụng hỗ trợ khẩn cấp được đề xuất để cung cấp tiền mặt cho ngành hàng không nước này chi trả lương cho người lao động.
Trong khi đó, Airbus đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước cần tăng cường hỗ trợ các hãng hàng không và nhà cung cấp, và cho biết doanh nghiệp này có thể cần tới sự hỗ trợ của chính phủ các nước châu Âu nếu cuộc khủng hoảng hiện nay kéo dài trong vài tháng.
Các nhà lãnh đạo trong ngành hàng không cho rằng, vấn đề báo động lớn nhất hiện nay là chuỗi cung ứng toàn cầu với hàng nghìn nhà cung cấp sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng hoạt động sản xuất máy bay “giật cục” hiện nay.
Trước đó, nhiều nhà cung cấp cũng gặp khó khăn do máy bay 737 MAX bị cấm bay trong gần hai năm qua.
Về phần mình, nhà sản xuất máy bay lớn thứ ba thế giới là Embraer SA của Brazil, ngày 22 tháng 3 vừa qua cho biết, sẽ cho nghỉ phép tất cả lao động không có vai trò cần thiết ở Brazil và có thể thông báo thêm các biện pháp khác vào cuối tuần này để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay.
Trong khi hãng Bombardier đang ngừng hoạt động sản xuất máy bay tại Canada, nhà sản xuất động cơ máy bay GE Aviation cũng thông báo kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động tại Mỹ.
Còn CAE Inc đang tiến hành sa thải 465 lao động, cắt giảm lương của các lãnh đạo doanh nghiệp và chi tiêu vốn để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Về phần mình, nhà sản xuất động cơ máy bay MTU Aero Engines (Đức) cho biết sẽ ngừng hoạt động một số nhà máy ở châu Âu trong ba tuần để tiến hành khử trùng và tái cơ cấu đội ngũ nhân sự./.
(Nguồn: TTXVN/Vietnam+)