Việc cấm đi lại và đóng cửa biên giới được đặt ra nhằm tránh sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự giảm sút kéo dài trong hoạt động bay mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này gây ra một ảnh hưởng lớn đến các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (ANSP) trên toàn cầu.
Việc giảm sút trong hoạt động bay ban đầu ảnh hưởng đến các chuyến bay đến và từ Trung Quốc hiện đã lan ra toàn cầu. Ví dụ, theo như các số liệu mới nhất của EUROCONTROL, hoạt động bay trong cả Châu Âu hôm nay giảm 50% so với cùng ngày này năm ngoái, và tình hình còn có thể xấu hơn đến mức giảm 75% vào cuối tuần.
“Trong khi các khách hàng là hãng hàng không được biết là chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, ANSP cũng đang đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng.” – Tổng Giám đốc CANSO, Simon Hocquard cho biết. “Doanh thu của ANSP liên quan trực tiếp đến khối lượng hoạt động bay mà họ điều hành và vì thế họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lưu lượng bay giảm. Nhiều ANSP đang thực hiện các biện pháp giảm chi phí, nhưng chắc chắn là một sự giảm sút trong doanh thu có thể làm suy yếu nghiêm trọng khả năng điều hành bay một cách an toàn và không biên giới khi mà lưu lượng bay chắc chắn sẽ tăng trở lại. Quản lý hoạt động bay là một phần trọng yếu của hạ tầng quốc gia, và vì thế CANSO đang kêu gọi các quốc gia đưa các ANSP vào các kế hoạch phục hồi về tài chính.”
Ông Simon Hocquard - Tổng Giám đốc CANSO
Cùng với việc giải quyết những hậu quả về tài chính, ưu tiên số một đối với các ANSP trong thời điểm thách thức này là thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch lên các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Điều này bao gồm việc thiết lập những sự phân công công việc theo cách hoàn toàn mới cho nhân viên khai thác để tránh sự lây bệnh và đảm bảo ứng phó trong trường hợp có nhân viên nhiễm bệnh – một công việc không dễ dàng khi mà bối cảnh hoạt động bay không thể dự đoán, thay đổi theo ngày.
Bên cạnh đó, các ANSP đã và đang làm việc với chính quyền nước mình nhằm hỗ trợ ngành hàng không quốc gia lên kế hoạch xử lý các trưởng hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng và phối hợp với các nước lân cận, các sân bay và các hãng hàng không để chuẩn bị ứng phó khi bùng phát số lượng nhân viên bị nhiễm COVID-19.
“Chắc chắn rằng các thách thức mà chúng ta hiện đang đối mặt trong việc lên kế hoạch ứng phó và khai thác cần phải có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các ngành và các quốc gia. Các công nghệ và hạ tầng mới tuy vậy cũng có ý nghĩa sống còn. Điều này chỉ ra rõ hơn nhu cầu đầu tư vào các hệ thộng quản lý bay trong tương lai. Rất nhiều khoản đầu tư cần thiết có thể gặp rủi ro nếu như Chính phủ không hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.” – Ông Simon bổ sung.
VATM - Theo tin từ CANSO