Sáng ngày 27 tháng 02 năm 2020, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch COVID-19 gây ra. Tại cuộc họp, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo, từ cuối tháng 01 năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. Đến thời điểm báo cáo, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay.
Theo đánh giá của ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng thế giới), ước tính doanh thu ngành hàng không toàn cầu giảm từ 4-5 tỷ USD xuất phát từ việc giảm khoảng 40% tổng công suất hành khách trong Quý I năm 2020, tương ứng gần 20 triệu hành khách. Các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các lĩnh vực vận tải (Ảnh: baogiaothong.vn)
Cục Hàng không Việt Nam đưa ra kịch bản tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019) trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4 năm 2020. Trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).
Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6 năm 2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với năm 2019). Trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7% triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).
Với những khó khăn như vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng như: áp dụng chính sách giảm 50% giờ cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi đến đối với các chuyến bay nội địa, thời gian dự kiến từ ngày 01 tháng 3 đến 31 tháng 5 năm 2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh; Cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác...
Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; Xem xét nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với khách từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam…
Việc áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá dịch vụ hàng không cho các chuyến bay nội địa và miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.