Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không năm 2020

Thứ Sáu, 07/02/2020 - 09:48 GMT+7

Ngày 03 tháng 02 năm 2020, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng Quốc gia

Theo đó, để đảm bảo tuyệt đối an ninh, trật tự, an toàn hàng không năm 2020 và trong các năm tiếp theo, góp phần thúc đấy kinh tế xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, Ngành liên quan, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tại các địa phương có cảng hàng không, sân bay thực hiện tốt nhiệm vụ công tác; Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn hàng không; Cập nhật, bổ sung và từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách và các quy định về an ninh, an toàn hàng không, đáp ứng yêu cầu của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và thực tiễn hoạt động hàng không tại Việt Nam; Đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp, quy trình, công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an ninh, trật tự và an toàn hàng không.

Đối với Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 349/TB-VPCP ngày 02/10/2019 và số 346/VPCP-CN ngày 14/01/2020, kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự, an toàn hàng không trong mọi tình huống. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ  với Bộ GTVT trong việc thành lập Công ty TNHH Một thành viên An ninh hàng không theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả và hiệu lực.

(Ảnh minh họa)

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro uy hiếp an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và các văn bản phối hợp liên ngành. Tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra. Triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực bảo đảm an toàn hàng không, chú trọng tiêu chuẩn hóa  đội ngũ giáo viên kiểm tra đối với người lái tàu bày, nâng cao chất lượng công tác sát hạch và cấp phép nhân viên hàng không, kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình quản lý an toàn, thực hiện kiểm tra  nghiêm việc kiểm tra giám sát tại các cảng hàng không, sân bay, đẩy mạnh áp dụng chế tài đối với các hành vi vi phạm, nêu cao vai trò trách nhiệm của người chịu trách nhiệm chính trong các lĩnh vực công tác bảo đảm an toàn hàng không, tăng cường công tác giám sát nội bộ, nghiêm túc thực hiện và nâng cao hiệu quả hiệu lực công tác phân tích dữ liệu chuyến bay, chất lượng công tác điều tra và bình giảng sự vụ uy hiếp an toàn, rút kinh nghiệm đến toàn thể nhân viên hàng không đối với các sự cố, vụ việc đã xảy ra để sửa kịp thời sửa đổi, bổ sung tài liệu khai thác cũng như bổ sung các yêu cầu về huấn luyện cho đội ngũ người lái tàu bay.

Các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm chính về công tác tuyển dụng, đào tạo và sử dụng phi công, nhân lực có tay nghề cao ở các vị trí quan trọng, không để tình trạng tranh giành nguồn nhân lực không phù hợp với quy định pháp luật về cạnh tranh lành mạnh, không để tái diễn các sự cố uy hiếp an ninh hàng không, an toàn hàng không xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của con người. Tăng cường hoạt động kiểm tra, thu dọn, áp dụng phương tiện, trang thiết bị hiện đại, hiệu quả trong việc  thu gom dị vật, vật thể lạ trong khu bay, phổ biến quy định an toàn tại các cảng hàng không, sân bay, bảo dưỡng định kỳ đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay…, kịp thời sửa chữa khi có hư hỏng theo đúng quy định pháp luật về đầu tư và xây dựng./.