Nghị định bao gồm 5 chương, 67 điều quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước quy định tại nghị định này là 01 năm. Riêng các hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản công là nhà, đất và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Các hình thức xử phạt chínhbao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000. 000 đồng đối với tổ chức.Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Tùy theo hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản;Buộc nộp lại số tiền do thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra;Buộc hoàn trả lại tài sản, trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; Trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả bằng tiền hoặc trả bằng tài sản khác có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu; Buộc phá dỡ công trình đã xây dựng trên phần diện tích lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Buộc hủy các báo cáo kê khai bị khai man, giả mạo đối với hành vi vi phạm quy định trong việc đăng nhập, sử dụng số liệu về tài sản công; Buộc điều chỉnh, bổ sung số liệu, thông tin, báo cáo kê khai bổ sung về tài sản công.
Nghị định cũng quy định mức phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính, như:
1. Trong lĩnh vực về đầu tư, mua sắm tài sản công:
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản khi chưa có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng khi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định; Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
2. Trong lĩnh vực đi thuê tài sản:
Phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đối với hành vi vi phạm quy định về đi thuê tài sản, khi không có quyết định về thuê tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định…..
3. Trong lĩnh vực về giao, sử dụng tài sản công, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công:
Phạt tiền từ 1 triệu đến 20 triệu đối với hành vi giao tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành (không đúng đối tượng, vượt diện tích, vượt số lượng, vượt mức giá). Phạt tiền từ 1 triệu đến 20 triệu đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân)….
4. Trong lĩnh vực về cho mượn tài sản công:
Phạt tiền từ 1 triệu đến 50 triệu đối với hành vi vi phạm quy định về cho mượn tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn).
5. Trong lĩnh vực về sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
Phạt tiền từ 1 triệu đến 20 triệu đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định phê duyệt Đề án của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại thời điểm thực hiện hành vi.
6. Trong lĩnh vực về không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật
Phạt tiền từ 1 triệu đến 30 triệu đối với vi phạm trong trường hợp tổ chức đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản dẫn đến tài sản bị hư hỏng.
7. Trong lĩnh vực xử lý tài sản công
Phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đối với các vi phạm về sử lý tài sản công như không thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật; thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công không đúng thời hạn theo quy định; không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn còn sử dụng được và cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nhu cầu sử dụng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hình thức xử lý cho phù hợp; xử lý tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý (dẫn đến việc quyết định xử lý tài sản không đúng quy định.
8. Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành; sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành;
Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật…
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2019. Chi tiết nội dung của Nghị định này được đăng tải tại mục: văn bản mới (https://www.caa.gov.vn/van-ban/63-2019-nd-cp-12206.htm)