Hàng không Việt Nam gia nhập Công ước Montreal 1999

Thứ Tư, 28/11/2018 - 10:34 GMT+7

Ngày 27/9/2018, Tổ chức HKDD quốc tế (ICAO) đã nhận được văn kiện gia nhập Công ước Montreal 1999 (MC99) về Thống nhất một số quy tắc về vận chuyển quôc tế bằng đường hàng không của Việt Nam. Theo quy định của Công ước, bắt đầu từ ngày 26/11/2018 Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam.



MC99 được thông qua tại Hội nghị quốc tế về Luật hàng không tổ chức tại Mông-rê-an từ ngày 10 đến 28 tháng 5 năm 1999 và có hiệu lực từ ngày mùng 4 tháng 11 năm 2003. Hiện nay, đã có 135 quốc gia và tổ chức gia nhập Công ước này. Các quy định của MC99 nhằm đến các mục tiêu: 
Một là, hiện đại hóa và củng cố Công ước Vác-sa-va 1929 và các văn kiện liên quan; 
Hai là, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không và nhu cầu bồi thường công bằng dựa trên nguyên tắc bồi thường; 
Ba là, hướng tới một sự phát triển có trật tự của hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế và việc đi lại thông suốt của hàng khách, hành lý và hàng hóa phù hợp với các nguyên tắc và mục tiêu của Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế, ký tại Chi-ca-gô ngày 07 tháng 12 năm 1944;
 Bốn là, xác định việc hệ thống hóa một số quy tắc điều chỉnh vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không thông qua một Công ước mới là cách thức thích hợp nhất để đạt được một sự cân bằng lợi ích một cách công bằng.
Việc Việt Nam gia nhập MC99 là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của ngành HKDD, cụ thể là:
(1) Công ước MC99 có hiệu lực từ 2003 và trong hơn 15 năm qua, thị trường hàng không quốc tế đã thừa nhận rộng rãi những nguyên tắc của MC99. Để hội nhập quốc tế, các hãng hàng không của Việt Nam đã đang chủ động áp dụng những nguyên tắc và quy định của Công ước này trên thực tế. Do vậy, bằng việc tham gia MC 99 đã tạo được hành lang pháp lý nhằm loại trừ rủi ro cho hành khách và người sử dụng dịch vụ, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng thống nhất các quy định liên quan đến vé hành khách, chứng từ điện tử, vận đơn điện tử, đơn giản hóa các thủ tục trong vận chuyển hàng không. 
(2) Khi áp dụng quy định của MC99, Việt Nam sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh và mức độ hấp dẫn hành khách cho các hãng hàng không Việt Nam so với việc áp dụng quy định của Công ước Vác-sa-va. Việc gia nhập MC99 không làm mất hiệu lực áp dụng của Công ước Vác-sa-va 1929 và Nghị định thư La-hay 1955 đối với vận chuyển quốc tế giữa Việt Nam và các nước có cùng tư cách thành viên đối với Công ước Vác-sa-va 1929 và Nghị định thư La-hay 1955 (khoảng 4 quốc gia) nhưng sẽ tạo được hành lang pháp lý đối với vận chuyển quốc tế với gần 60 quốc gia khác hiện đang có hiệp định hàng không đối với Việt Nam. 
(3) Việc gia nhập MC99 sẽ đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, dân sự, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam; thể hiện được trách nhiệm quốc gia thành viên ICAO trong việc thực hiện Nghị quyết số A39-9 của ICAO nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc đảm bảo cho lợi ích của các hãng hàng không, hành khách và người gửi hàng (sau đây gọi chung “hành khách và người gửi hàng” là “khách hàng”). 
 (4) So với quy định của Công ước Vác-sa-va 1929 và Nghị định thư La-hay 1955, quy định của MC99 có lợi hơn cho cả khách hàng và các hãng hàng không, cụ thể: 
- Đối với người vận chuyển: MC99 góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thiểu lưu trữ tài liệu giấy, tạo căn cứ cho hãng hàng không áp dụng các quy định về vận đơn điện tử. Hiện nay, một số hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng vận đơn điện tử nhưng nếu xảy ra tranh chấp thì không thể áp dụng các quy định của MC99 để bảo về quyền lợi cho mình do Việt Nam chưa phải là thành viên của MC99.
 - Đối với các doanh nghiệp có hàng hóa phụ thuộc vào đường hàng không: vận chuyển hàng hóa sẽ nhanh chóng hơn do việc truy cập dữ liệu qua mạng thuận tiện; giảm thiểu việc lưu trữ giấy tờ. Dữ liệu điện tử được lưu trữ chính xác, đồng bộ; nếu có sai sót, việc chỉnh sửa thông tin cũng nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo hàng được vận chuyển theo kế hoạch; tạo dựng môi trường hoạt động hiện đại, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
- Đối với người gửi hàng và hành khách: giúp tiết kiệm thời gian, được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cao hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Công ước Vác-sa-va 1929 và Nghị định thư La-hay 1955, cụ thể: 
Trường hợp bồi thường Công ước Vac-sa-va 1929 & Nghị định thư La-hay 1955 Công ước Montreal 1999
Chết/Bị thương 12 000USD/HK 24 000USD/HK 113 100 SDR(160 500USD)/HK
Hành lý 16,6 USD/kg 4 694 SDR (1600 USD)/HK
Hàng hóa 16,6USD/kg 1 131 SDR (27 USD)/kg
- Đối với nền kinh tế: MC99 sẽ là một công cụ thúc đẩy thương mại đáp ứng yêu cầu triển khai việc thực hiện các thủ tục xuất, nhập, cảnh đối với tàu bay thông qua Cơ chế một cửa quốc gia hiện nay.
(5) Việc gia nhập Công ước cũng tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật của Việt Nam tiệm cận với pháp luật quốc tế hiện đại, phù hợp với xu hướng nhất thể hoá luật tư trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới giai đoạn hiện nay.
Với những lợi ích cơ bản như trên, việc Việt Nam gia nhập MC99 là thực sự cần thiết, phù hợp với xu thế chung và sự phát triển của ngành vận tải hàng không, tạo môi trưởng pháp lý thuận lợi cho hành khách và các hãng hàng không của Việt Nam, nâng cao dịch vụ và năng lực vận tải và khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.