Vì sao Mỹ cảnh báo “cấm bay” hàng không Thái Lan ?

Thứ Tư, 02/09/2015 - 20:49 GMT+7

Hàng không Thái Lan có nhiều lợi thế nhưng vẫn không thể phát huy tối đa, thậm chí còn bị các tổ chức hàng không thế giới cảnh báo về an toàn. Nguyên nhân do đâu?

Đối mặt lệnh cấm mở đường bay

Khoảng trung tuần tháng 7, sau 5 ngày từ 13/7-17/7 rà soát hoạt động của Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (DCA) cùng hai Hãng Hàng không Thai Airways International và Bangkok Airways, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phát hiện một số thiếu sót trong hệ thống tiêu chuẩn an toàn bay. FAA ra thời hạn cho Thái Lan trong vòng 65 ngày phải giải quyết những thiếu sót tồn đọng.
Theo Bộ Giao thông Thái Lan, FAA đã trình bày sơ qua các khiếm khuyết họ phát hiện được và sẽ gửi báo cáo đầy đủ trong vòng 30 ngày nữa. Tuy nhiên, có thể điểm qua một vài vấn đề khiến FAA lo ngại: nhân lực DCA thiếu trình độ chuyên sâu trong việc kiểm tra an toàn bay các hãng hàng không trong nước; Chưa cập nhật phương pháp mới đáp ứng tiêu chuẩn an toàn bay hiện nay…
Nếu Thái Lan không thể giải quyết những thiếu sót trong thời hạn theo quy định, Mỹ sẽ cấm các hãng hàng không Thái Lan mở dịch vụ mới tới Mỹ và hạn chế các dịch vụ hiện đang khai thác đến khi nào Thái Lan cải thiện. Lệnh trừng phạt này ảnh hưởng trực tiếp tới ngành Hàng không Thái Lan nói riêng cũng như ngành du lịch nói chung, nhất là đang trong mùa cao điểm du lịch.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Prajin Juntong một lần nữa hứa sẽ giải quyết tất cả vấn đề và cho biết, nội các đã thông qua kế hoạch thuê thêm chuyên gia hàng không, kể cả chuyên gia nước ngoài để lấp chỗ trống thiếu hụt nhân viên.
Sở dĩ FAA tiến hành kiểm tra hoạt động của DCA bởi trước đó, Tổ chức Hàng không dân dụng (ICAO) gắn “cờ đỏ” cảnh báo hàng không Thái Lan sau khi DCA không giải quyết được những vấn đề về hệ thống tiêu chuẩn an toàn hàng không mà ICAO đưa ra trong thời hạn 90 ngày. Tuy ICAO không công bố những vấn đề còn tồn tại ở DCA nhưng tổ chức này đã thông báo tới từng nước về tình hình “an toàn hàng không đáng lo ngại” của Thái Lan.


ThaiAirways tuyên bố cắt giảm hơn 1.400 việc làm

Chính sách thiếu đồng bộ

Dư luận Thái Lan bày tỏ bức xúc vì Bộ Giao thông và Cục Hàng không dân dụng liên tục “thất hứa”, không thể nâng cao tiêu chuẩn an toàn đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Một độc giả của Bangkok Post có tên WagaWaga nói: “Từ lúc ICAO cảnh báo Hàng không Thái Lan về vấn đề an toàn, đến nay đã là khoảng thời gian rất dài nhưng đâu vẫn nguyên đấy. Tình hình thực tế với lời hứa của Bộ trưởng hoàn toàn khác”. Một độc giả khác bức xúc: “Cục Hàng không Thái Lan đã có rất nhiều thời gian để giải quyết. Tại sao lại phải cho họ thêm 65 ngày nữa, sao không phạt luôn đi?”. Trong khi đó, một người Italia lo lắng: “Tôi sắp sang Thái Lan du lịch, định bay của Hãng Bangkok Airwas mà tình hình an toàn hàng không thế này thì sợ quá! Tôi rất thích được thăm thú Thái Lan nhưng sợ đi máy bay”.
Một nghịch lý, Thái Lan hội tụ nhiều yếu tố: Nằm ở vị trí địa lý thích hợp để có thể trở thành trung tâm hàng không trong khu vực; Lượng khách du lịch đến Thái Lan không ngừng tăng, đáng lý ra ngành hàng không nước này phải phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, do chiến lược về hàng không của Chính phủ chưa đúng đắn, đồng bộ cũng như “năm lần bảy lượt” gặp biến cố về chính trị như quân đội đảo chính khiến ngành Hàng không Thái Lan không phát huy được hết tiềm năng.

Đóng cửa văn phòng tại Mỹ

Mới đây, Hãng Hàng không Quốc gia Thái Lan ThaiAirways tuyên bố cắt giảm hơn 1.400 việc làm và ngừng các chuyến bay thua lỗ tới Los Angeles (Mỹ) và Romes (Italia). Hai đường bay này ngốn khoảng 3 triệu USD/năm, sẽ bị ngừng từ ngày 25/10 và văn phòng tại Mỹ cũng đóng cửa, theo Reuters.
Đây được coi là một phần kế hoạch tái cơ cấu kéo dài hai năm của hãng hàng không quốc gia này nhằm giảm chi phí hoạt động xuống 20%. Chủ tịch Hãng Hàng không Thai Airways Charumporn Jotikasthira cho biết, nhằm cắt giảm chi phí vận hành, ngoài sa thải nhân viên, còn phải bán bớt máy bay. Năm nay kế hoạch của Thai Airways phải giảm chi phí xuống đến 9 tỷ baht (272 triệu USD), trong đó, 5,3 tỷ baht (152 triệu USD) bồi thường cho những người tự nguyện hưu sớm.
Bà Soithip Trisuddhi, Bộ trưởng Giao thông tạm quyền cho biết: “Chiến lược hoạt động không bao giờ đồng bộ dẫn đến việc mỗi nơi lại xây dựng kế hoạch mở rộng sân bay, đài kiểm soát không lưu, phát triển nguồn nhân lực khác nhau. Ngành Hàng không Thái Lan thiếu tính thống nhất. Điều cần nhất với chúng tôi lúc này là một kế hoạch chỉ đạo tổng thể chung cho toàn ngành”.  
Trong vòng một năm tới, Bộ Giao thông Thái Lan sẽ đưa ra kế hoạch chỉ đạo cho ngành Hàng không Thái Lan được đánh giá là quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Văn phòng Kế hoạch và chính sách Giao thông (OTP) thực hiện. Trong dự thảo kế hoạch, OTP sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chính: Quản lý sân bay, không lưu, Luật Hàng không, nguồn nhân lực... Để kế hoạch được thống nhất và đồng bộ, Thái Lan sẽ thành lập một ủy ban bao gồm đại diện đến từ nhiều bộ ban ngành để giám sát kế hoạch.

Nguồn: www.baogiaothong.vn