Hội nghị FutureGov 2012 và những xu hướng mới về Chính phủ điện tử

Thứ Bảy, 27/10/2012 - 17:57 GMT+7

 Future Gov Summit-Hội nghị của những quan chức hàng đầu về Chính phủ điện tử là một sự kiện được tổ chức hàng năm bởi tạp chí Future Gov của Xinh-ga-po. Năm nay đã là lần thứ 9 sự kiện này được tổ chức, và địa điểm được lựa chọn là Chiang Mai- thành phố lớn thứ hai nằm ở phía Bắc Thái Lan- một thành phố nổi tiếng về du lịch.

Những giải pháp công nghệ mới được ứng dụng mạnh mẽ để tạo ra những thay đổi mang tính đột biến trong lĩnh vực dịch vụ công. Xu hướng Chính phủ điện tử mà nhiều nước tiên tiến theo đuổi xuất phát từ thay đổi nhận thức về chính phủ từ quản lý sang phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày tại khách sạn Shangri La, một nơi xứng đáng để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Trong khu vực, cái tên Shangri La này đã được nhiều người biết đến với những cuộc đối thoại về chủ đề an ninh quốc phòng.

Các đại biểu dự một thảo luận bàn tròn

Năm nay, cái tên Shangri La còn được biết đến với những cuộc thuyết trình, thảo luận về một loạt chủ đề, trong đó cũng bao gồm cả vấn đề an ninh nhưng chẳng liên quan gì đến chuyện “súng ống”- mà là an ninh an toàn thông tin.

Khách đến dự Future Gov Summit 2012 từ gần 20 quốc gia, chủ yếu trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Họ là các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin (CNTT), là các quan chức của chính quyền Trung ương và địa phương, phụ trách về Chính phủ điện tử và dịch vụ công, là những nhà công nghệ, chuyên gia của các hãng hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin và truyền thông.

Diễn giả tại Hội nghị đều là những nhà quản lý CNTT thuộc khu vực công, thuộc các tổ chức quốc tế lớn như WB, NASA chẳng hạn, đến từ những nước mà Chính phủ điện tử đã phát triển mạnh hoặc có những ứng dụng Chính phủ điện tử thành công như Úc, Hàn Quốc, Xinh-ga-po … Có thể kể tên một vài vị như James Kang, Trợ lý Tổng giám đốc, Giám đốc CNTT của Infocomm – cơ quan chịu trách nhiệm phát triển Chính phủ điện tử của Singapore; Deepak Bhatia, quan chức phụ trách về các ứng dụng Chính phủ điện tử của World Bank Group; Cassandra Crowley, quan chức phụ trách Chính phủ điện tử địa phương của Niu Di-lân; Andrew Stott, nguyên quan chức về CNTT của Văn phòng Chính phủ Anh… Các buổi thuyết trình chủ yếu giới thiệu các xu hướng, các công nghệ mới có thể ứng dụng cho phát triển chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay.

Trong 3 ngày hội nghị có 12 chủ đề được luân phiên thảo luận tại các bàn tròn, về điện toán đám mây (cloud computing), về các phương thức gắn kết người dân với chính phủ để nâng cao hiệu quả và minh bạch trong hoạt động của chính phủ, xử lý dữ liệu lớn (Big data), ứng dụng CNTT trong quản lý tài chính công, Chính phủ kết nối (Connnected Government ), ứng dụng công nghệ di động trong hoạt động Chính phủ cũng như gắn kết, chia sẻ thông tin tới người dân, tổ chức, an toàn an ninh thông tin…

Qua các ý kiến thảo luận, có thể nhận thấy điện toán đám mây là xu hướng mới mà chính phủ nhiều nước đã bắt đầu tham gia, do khả năng tiết kiệm chi phí, linh hoạt trong cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, là công nghệ di động. Với sự bùng phát của các thiết bị cầm tay thông minh và có khả năng truy cập internet tốc độ cao 3G, 4G xu hướng sử dụng các thiết bị này trong thực hiện chính phủ điện tử đang phát triển mạnh mẽ.

Chính phủ kết nối và gắn kết công dân (citizent engagement) là hai xu hướng phát triển Chính phủ điện tử mà nhiều nước tiên tiến đang theo đuổi, xuất phát từ sự thay đổi nhận thức về chính phủ, từ chính phủ với chức năng quản lý sang chính phủ phục vụ lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Theo đó, ưu tiên số 1 là phục vụ người dân tốt hơn bằng việc nâng cao chất lượng các dịch vụ công.

 Từ Việt Nam sang làm khách VIP của Hội nghị có gần 20 cán bộ phụ trách các đơn vị CNTT của một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, cùng một số đại học chuyên ngành CNTT.

Ý kiến của nhiều đại biểu Việt Nam tại các cuộc thảo luận bàn tròn được những người tham gia chia sẻ, ghi nhận và đánh giá cao. Chẳng hạn như ý kiến phải chú ý tới yếu tố dân trí giữa các vùng miền, sự chênh lệch về khả năng tiếp cận CNTT giữa vùng sâu, vùng xa, nông thôn với khu vực thành thị khi xây dựng một đề án CNTT cho 10 ngàn trường học trong cả nước- một đề bài được BTC nêu ra để thảo luận bàn tròn.

Future Gov Summit 2012 kết thúc bằng một Gala trao giải thưởng năm 2012. Trong đó, Việt Nam có 4 tổ chức, đơn vị có dự án, đề án ứng cử giải thưởng được bình chọn vào Top 5 của từng hạng mục giải thưởng.

Đó là Tổng cục Môi trường với dự án Tăng cường năng lực ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp tại Tổng cục Môi trường (đứng thứ 3 trong hạng mục Chính phủ Xanh); Cục Quản lý Cạnh tranh- Bộ Công Thương với Hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá (được xếp thứ  2 hạng mục Quản lý thông tin và Trung tâm dữ liệu), UBND TP.HCM với Hệ thống hỗ trợ thủ tục hành chính trên nền CNTT (thuộc hạng mục Chính phủ kết nối), Bộ Giáo dục và Đào tạo với Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục SREM (thuộc hạng mục Tổ chức Giáo dục của năm).

Chia tay nhau ở Chiang Mai, các đại biểu hẹn nhau ở Hội nghị năm tới với những ý tưởng mới, những giải pháp công nghệ mới đem lại những năng lực mới  cho Chính phủ điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.

(Theo Chinhphu.vn)