Làm chủ mọi công đoạn sản xuất máy bay không người lái

Chủ Nhật, 05/05/2013 - 22:48 GMT+7

 Việt Nam đã trở thành một trong các nước làm chủ mọi công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo dưỡng máy bay không người lái. Từ thành công này, mở ra hàng loạt ứng dụng cụ thể trong đời sống trong tương lai không xa.

Giám đốc Viện Khoa học công nghệ không gian – Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam- Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng- Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo tổ hợp máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học đã cùng cộng sự triển khai đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo dưỡng máy bay không người lái  từ năm 2008.                                              
                                                         
Đây là một quy trình khép kín. Gần như tất cả các linh kiện, kể cả linh kiện điện tử đều được sản xuất tại Việt Nam.Nhóm nghiên cứu đã tự thiết kế và làm chủ được phần mềm bay tự động tuân thủ những chuẩn mực cao nhất của Châu Âu. Đây là thành công rất quan trọng, đảm bảo tính “khép kín” trong quy trình nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái điều mà không nhiều quốc gia có thể chủ động được hoàn toàn.
 
Loại lớn nhất có chiều dài 4,20m, sải cánh 5,0m. Khối lượng tối đa của máy bay là 170kg, trong đó khối lượng tải có ích là 50kg. Như vậy, máy bay hoàn toàn có thể mang theo các thiết bị chuyên dùng ở rất nhiều lĩnh vực. Loại máy bay này có thể bay cao tối đa 3000m, tốc độ lớn nhất 180km/h. Bán kính hoạt động là 100km, thời gian hoạt động liên tục trên không là 6h, bay cả ban ngày và ban đêm.
Tầm bay của máy bay có thể được mở rộng trên một khu vực rộng lớn, kể cả trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam nếu sử dụng các trạm chuyển tiếp mặt đất hoặc dùng tín hiệu điều khiển vệ tinh.
alt image
 
Loại máy bay nhỏ nhất chỉ dài 1,0m, sải cánh 1,2m. Tuy chỉ có khối lượng tối đa 4kg nhưng máy bay có thể mang tới 1kg, tức là đủ sức mang theo mình những thiết bị quan sát chuyên dụng. Bán kính hoạt động của chiếc máy bay “hạt tiêu” này là 2km, đạt độ cao tối đa 200m, tốc độ lớn nhất 70 km/h. Máy bay có thể hoạt động liên tục trên không trong 1 giờ. Trước mắt, loại máy bay này được trang bị camera chuyên dụng, cự ly truyền 2km.
 
Trong thời gian ngắn sắp tới, những chiếc máy bay không người lái sẽ được đưa vào ứng dụng trong các chương trình bay khảo sát địa chất, đo, vẽ bản đồ, phát hiện chặt – phá rừng, quan sát bảo vệ những cá thể động thực vật quý hiếm, quan sát đập thuỷ điện, đường dây 500 KV, quan sát ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…