Hàng không Việt Nam: Cần "đột phá" từ nguồn nhân lực trong nước

Thứ Ba, 27/11/2012 - 22:04 GMT+7

 Đây là mục tiêu do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt ra cho ngành Hàng không tại cuộc họp diễn ra vào chiều ngày 26/11, thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT Hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Báo cáo về công tác thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho rằng sau hơn 3 năm thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT Hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngành Hàng không đã đạt được nhiều thành tựu phát triển trên các lĩnh vực quản lý hoạt động bay, phát triển cảng hàng không, xây dựng mạng cảng hàng không, sân bay ...

Thực hiện mục tiêu, giai đoạn 2006-2011, tổng thị trường vận tải hành khách tăng bình quân 15%, vận tải hàng hóa tăng 12%, điều hành bay tăng 10%, phục vụ hành khách tại các cảng hàng không tăng 17%, hàng hóa tăng 33%. Năm 2011, đã điều hành 420 nghìn chuyến bay, tăng 17%, phục vụ vận chuyển 23,7 triệu lượt hành khách (tăng12,5%), 0,47 triệu tấn hàng hóa (tăng 3,2%)… Đã có 55 hãng hàng không nước ngoài khai thác đường bay đến Việt Nam, 4 hãng khai thác trục đường bay nội địa. Số tàu bay các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 95 chiếc, trong đó sở hữu 43 chiếc chiếm 45,3%. Theo kế hoạch, đến 2013 Vietnam Airline sẽ nhận thêm 13 tàu bay A321 và trả lại các tàu bay A320 cũ để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh báo cáo Bộ trưởng tại cuộc họp

Về quy hoạch các cảng hàng không, đến nay Cục HKVN đã hoàn thành quy hoạch 25/26 cảng hàng không và 4 sân bay, đang trình hồ sơ quy hoạch 3 sân bay, điều chỉnh quy hoạch 1 cảng HKQT. Dự kiến đến năm 2013 sẽ triển khai theo quy hoạch 1 cảng hàng không còn lại.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT Hàng không vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tháo gỡ như: khả năng khai thác quốc tế đến các cảng hàng không còn chậm, lượng hành khách quốc tế đến Nội Bài trong năm 2011 chỉ chiếm 35,6% và ở Đà Nẵng chỉ chiếm 0,5%; hạ tầng các cảng hàng không địa phương chưa đủ khả năng tiếp nhận loại tàu bay A321; Công tác bảo dưỡng, sửa chữa động cơ tàu bay phải phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài; Số phi công nước ngoài chiếm tỉ lệ cao, trên 47%...

Sau khi nghe báo cáo của Cục HKVN, đại diện các vụ, viện đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý giúp cho Cục HKVN sớm tìm ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Cục HKVN cần rà soát lại Quy hoạch, phân tích làm rõ những nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế để tìm giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, trong việc quy hoạch các cảng hàng không, sân bay, Cục HKVN cần nghiên cứu và xây dựng phương án cụ thể, khoảng cách xây dựng, dự báo nhu cầu… tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng: Chiến lược và quy hoạch phát triển Hàng không được xây dựng từ năm 2007, đến nay do điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi, vì vậy chúng ta cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong chiến lược và quy hoạch phát triển Hàng không, Cục HKVN phải có đánh giá kết quả thực hiện, nêu rõ những ưu điểm, tồn tại trong quá trình hoạt động. Từ đó, đi đến định hướng phát triển cho những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, chiến lược điều chỉnh phải thông nhất về nội dung và cấu trúc so với trước đây.

Về các tồn tại trong ngành Hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: hiện nay số lượng nhân viên hàng không được đào tạo trong nước mới chỉ đạt 53% tổng số lao động, chậm so với mục tiêu đề ra; Công tác bảo trì, sửa chữa thiết bị chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; Vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng không chưa được thực hiện tốt, còn xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến hoạt động bảo đảm an toàn bay; Công tác quản lý giá chưa hiệu quả dẫn đến giá cước vận tải hàng không vẫn cao hơn so với khu vực; Công tác quản lý vận hành hành, khai thác tại các CHK chưa hiệu quả..

Vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: Cục HKVN sớm hoàn thiện việc rà soát, chỉnh sửa chiến lược, Quy hoạch phát triển Hàng không. Phải đánh giá tổng thể số lượng CHK đang hoạt động, số lượng cảng dự kiến nâng cấp cải tạo, xây mới so với nhu cầu thực tế, từ đó kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình VN.

Đưa ra các dự báo về chỉ tiêu phát triển hàng không theo đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, dựa trên cơ sở những đánh giá, dự báo của các công ty, hãng hàng không thế giới về tiềm năng phát triển ngành HK ở Việt Nam. Cục HKVN rà soát lại toàn bộ chỉ tiêu theo Quyết định 21/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và toàn bộ nội dung trong Quy hoạch phát triển GTVT Hàng không đến năm 2020. Cụ thể:

Quy hoạch phát triển mạng đường bay phải tập trung khai thác hiệu quả các sân bay lớn và mạng đường bay nội địa; phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu, tốc độ phát triển của nhiều hãng hàng không. Tăng cường đầu tư đảm bảo an ninh, an toàn Hàng không theo mục tiêu cụ thể, như đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng hệ thống hàng rào tại các sân bay theo quy định. Trong quản lý hoạt động bay, Cục HKVN cần tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm với các cá nhân, tập thể của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam vì hàng loạt sự cố xảy ra trong năm 2012.

Định hướng phát triển công nghiệp hàng không vào các dịch vụ bảo trì, sửa chữa trang thiết bị hàng không; tập trung tiến hành cổ phần hóa các cảng hàng không hiện có để tái đầu tư xây dựng các cảng hàng không trong tương lai. Giao Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu sát nhập Viện khoa học Hàng không vào Học viện Hàng không Việt Nam. Phối hợp với Cục HKVN tổ chức đào tạo nguồn nhân lực ngành Hàng không theo mục tiêu đã đề ra và coi đây là khâu đột phá trong trong chiến lược phát triển ngành Hàng không đến năm 2020.

Về các giải pháp chính sách, giao Vụ Pháp chế chủ trì cùng với các đơn vị liên quan tập trung rà soát lại các văn bản pháp luật, thông tư đề sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tiến tới trình Chính phủ sửa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Vụ KHCN hoàn tất các thủ tục sớm ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến các cảng hàng không, sân bay. Nghiên cứu tìm giải pháp để các cảng hàng không, sân bay nội địa có thể tiếp nhận loại tàu bay thay thế của Vietnam Airline; các giải pháp đưa ra phải rõ ràng, có lộ trình và phải gắn với các quy định của ICAO. Vụ Tài chính xem xét phân chia lại giá dịch vụ Hàng không tiến tới điều chỉnh giá cước cho phù hợp.

Bộ trưởng yêu cầu Cục HKVN tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, tiếp tục điều chỉnh chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành Hàng không và báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ GTVT trong tháng 12./.

(Theo giaothongvantai.com.vn)