Tăng cường công tác đảm bảo an toàn bay

Thứ Năm, 03/01/2013 - 12:41 GMT+7

 Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chiều 2/1/2013. Cùng dự họp có Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, đại diện các cục, vụ của Bộ GTVT.

Chưa nhận thức đúng về “văn hóa an toàn”
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đỗ Quang Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, năm 2012, tình hình kinh tế xã hội thế giới và trong nước không thuận lợi. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Cụ thể, sản lượng điều hành bay của Tổng công ty trong năm 2012 là 454.076 lần chuyến, đạt 100,88% so với kế hoạch; tổng thu là hơn 2.890 tỷ đồng, đạt 99,2% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 260 tỷ đồng, tăng 0,11% so với kế hoạch…
Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp nhưng Tổng công ty đã tổ chức điều hành bay an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao. Đảm bảo điều hành chỉ huy cho 347 chuyến chuyên cơ trong và ngoài nước; cấp 660 phép bay đột xuất; xử lý 130 lần chuyến bay vì lý do thời tiết xấu, kỹ thuật phải quay lại sân bay khởi hành. Sự phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị trong và ngoài ngành hàng không với các nước trong khu vực luôn chặt chẽ, tạo điều kiện cho hoạt động bay được thuận lợi, an toàn, góp phần bảo vệ vùng trời, an ninh quốc gia. Tổng công ty thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác điều hành bay, kiểm tra giám sát công tác an toàn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp
Tổng công ty đã phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Quốc phòng để điều chỉnh, mở mới các đường hàng không, xây dựng các phương thức bay theo đúng luật định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hãng hàng không. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, phục vụ tốt cho công tác điều hành bay. Tích cực, chủ động hội nhập với cộng đồng hàng không thế giới và khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu  chuyển đổi theo chương trình CNS/ATM mới của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới.
Tuy nhiên, trong năm qua, Tổng công ty vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như đã để xảy ra một số vụ việc trong công tác điều hành bay, gây uy hiếp an toàn bay. Ngoài ra, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm vẫn chậm. Một số trang thiết bị kỹ thuật bị hỏng hóc, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư mới…
Để tồn tại những hạn chế đó, ngoài những yếu tố khách quan như cơ chế, chính sách, tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, trong nước, điều kiện thời tiết thì còn có nhiều nguyên nhân chủ quan của Tổng công ty, đó là lực lượng lao động không lưu, kỹ thuật trong thời gian qua đã được bổ sung nhưng chất lượng chưa đồng đều, còn thiếu về số lượng; công tác kiểm tra, giám sát của một số lãnh đạo các cấp chưa sâu sát, thường xuyên, còn để người lao động vi phạm kỷ luật lao động, quy trình làm việc, nhận thức về “văn hóa an toàn” của người lao động còn hạn chế; hệ thống tài liệu pháp quy về tiêu chuẩn, quy chế, quy định… còn thiếu hoặc có nhưng còn nội dung bất cập, chưa kịp thời cập nhật. Để khắc phục những hạn chế thiếu sót trên, Tổng công ty đã và đang triển khai các biện pháp cụ thể, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.
Năm 2013, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xác định là năm rất khó khăn, do đó để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, Tổng công ty sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, điều hành an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức vùng trời, sửa đổi bổ sung các quy chế, phương thức bay tại các sân bay của Việt Nam. Hoàn chỉnh mô hình tổ chức cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn và công tác an ninh, an toàn hàng không.
Tăng cường quản lý, khai thác hệ thống các trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo hoạt động ổn định, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành bay. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với tổng thu đạt 3.016 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thực hiện năm 2012; sản lượng điều hành bay đạt 477.690 lần chuyến, tăng 5,02% so với năm 2012…
Khẩn trương thực hiện đề án tái cơ cấu
Sau khi nghe báo cáo của đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu và các cục, vụ của Bộ đã đưa ra các ý kiến đóng góp vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, năm 2012 là một năm có rất khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, thời tiết diễn biến phức tạp, song Tổng công ty vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức điều hành bay an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của CBCNV-LĐ trong toàn Tổng công ty.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, trong năm qua, Tổng công ty đã để tồn tại những thiếu sót liên quan đến an toàn bay, do đó Tổng công ty phải kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm của cán bộ, nhân viên để xảy ra tình trạng gây uy hiếp an toàn bay. Một trong những giải pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn bay là nâng cao chất lượng và số lượng kiểm soát viên không lưu.
Bộ trưởng yêu cầu, từ cán bộ cho đến nhân viên của Tổng công ty phải có nhận thức đúng đắn về an toàn bay, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BGTVT ngày 9/11/2012 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn bay. Bộ trưởng đã đồng ý với kiến nghị của Tổng công ty về việc thành lập trung tâm đào tạo huấn luyện không lưu.
Về công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá Tổng công ty đã triển khai chậm các dự án, đơn vị phải có giải pháp chấn chỉnh ngay vấn đề này. Việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty  chưa thực hiện nghiêm túc, Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty khẩn trương thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, đặc biệt là tái cơ cấu tổ chức, nhân sự.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 của Tổng công ty, Bộ trưởng đồng ý về cơ bản và giao cho Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt. Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng công ty, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Quân chủng Phòng không -Không quân để khai thác có hiệu quả vùng trời, rà soát lại các đường bay để tối ưu hóa.
(Theo giaothongvantai.com)