Năm 2012, ngành hàng không thế giới vẫn gặp khó khăn

Thứ Ba, 07/02/2012 - 15:16 GMT+7

 Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa cho biết vận chuyển hành khách toàn cầu bằng đường hàng không năm 2011 đã tăng 5,9%, bất chấp các điều kiện yếu kém như tình hình kinh tế tại nhiều nền kinh tế phương Tây. Tuy nhiên, IATA dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm nay.

IATA, tổ chức đại diện cho khoảng 240 hãng hàng không, chiếm trên 84% hoạt động vận chuyển hàng không toàn cầu, cho rằng tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm 2011, đã bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá. Ước tính, khối lượng chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không giảm 0,7% trong cả năm 2011, cho dù đã tăng nhẹ 0,2% riêng trong tháng 12/2011. Trong khi đó, lượng hành khách đi máy bay trong tháng 12/2011 tăng tới 5,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Các thị trường đang phát triển như Braxin, Ấn Độ và Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng hai con số về cả lượng người đi máy bay và khối lượng chuyên chở hàng hóa, trong khi thị trường Nhật Bản lại giảm 15,2% do ảnh hưởng của trận động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011. Tính đến tháng 12/2011, thị trường hàng không nội địa Nhật Bản đã phục hồi về mức trước thảm hoạ thiên tai nói trên.
Khu vực Mỹ Latinh cũng ghi nhận mức tăng trưởng vận tải hàng hàng không tới 10,2% trong năm 2011, nhờ các điều kiện kinh tế nội địa lành mạnh và hoạt động giao thương ổn định với khu vực Bắc Mỹ và Châu Á. Còn tại khu vực Châu Phi, lượng hành khách quốc tế đi máy bay đạt mức tăng trung bình 2,3% trong cả năm ngoái, cho dù giảm 0,7% trong tháng 12/2011.
Tổng Giám đốc IATA Tony Tyler nhận định: "Lòng tin kinh doanh đang được cải thiện là tín hiệu tốt, song 2012 vẫn là một năm khó khăn đối với ngành hàng không toàn cầu. Nếu khu vực các nước sử dụng đồng euro không thể đạt được một giải pháp khả thi và bền vững thì điều này sẽ tác động tới nhiều nền kinh tế trên thế giới và tất nhiên cả ngành hàng không thế giới".
TTXVN