Trong giai đoạn tháng 2/2015 (từ ngày 06/2 đến 18/2/2015) và giai đoạn tháng 3/2015 do điều kiện thời tiết xấu (sương mù, tầm nhìn bị hạn chế) tại các Cảng hàng không phía Bắc, đặc biệt là Cảng hàng không Cát Bi, Thọ Xuân và Vinh là nguyên nhân bất khả kháng, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát, ngoài ý muốn của các hãng, không tiếp nhận các chuyến bay đi/đến, ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt các chuyến bay kế tiếp, gây xáo trộn lịch bay. Tỷ lệ chậm chuyến trong các ngày này tăng cao với nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp từ thời tiết. Đối với các trường hợp cảng hàng không bị sương mù, không thể tiếp nhận các chuyến bay đi đến, các hãng hàng không đã chủ động đưa ra các phương án chuyển khách sang các chuyến bay ngày kế tiếp hoặc chuyển sang các chuyến bay tới cảng hàng không khác và bố trí phương tiện ô tô vận chuyển khách.
*Số liệu chậm hủy tháng 7/2015 (từ 01/7/2014 đến ngày 20/7/2015):
Trong giai đoạn từ ngày 01/7/2015 đến ngày 20/7/2015, tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không chiếm 21,2%, tăng 4,3 điểm so với tháng trước (trong số chậm, nguyên nhân chủ quan chiếm tỷ trọng 25,8%, khách quan chiếm 4,4%, tàu bay về muộn chiếm 69,8%) và hủy chuyến chiếm 0,4%, giảm 0,1 điểm so với tháng trước, cụ thể:
- Vietnam Airlines: tỷ lệ chậm chuyến là 21,2%, tăng 5,9 điểm; hủy chuyến là 0,6%, bằng với tháng trước.
- Vietjet: tỷ lệ chậm chuyến là 23,5%, tăng 3,3 điểm; hủy chuyến là 0,2%, tăng 0,1 điểm so với tháng trước.
- Jestar: tỷ lệ chậm chuyến chiếm 20,7%, tăng 0,5 điểm; hủy chuyến là 0,1%, giảm 0,4 điểm so với tháng trước.
- Vasco: tỷ lệ chậm chuyến là 7%, tăng 0,5 điểm; không có chuyến hủy, giảm 0,8 điểm so với tháng trước.
Nguyên nhân:
Đây là mùa cao điểm trong năm, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao; các hãng hàng không tăng chuyến bay khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Do đó, đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại các đường lăn, sân đỗ, đường cất hạ cánh; chuyến bay phải xếp hàng để chờ cất, hạ cánh, gây chậm dây chuyền cho các chuyến bay khác.
Đồng thời, trong tháng 7, CHKQT Tân Sơn Nhất phải sửa chữa đường băng do sét đánh (từ 16-19/7); Thời tiết bất thường (mưa lớn) ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực phía Nam…
Một nguyên nhân khác là tàu bay chậm khai thác do phát hiện ra hỏng hóc kỹ thuật trước chuyến bay.
*Việc thực hiện nghĩa vụ của hãng hàng không đối với các chuyến bay chậm, hủy
Về cơ bản, các hãng hàng không đã triển khai nghiêm túc quy định về phục vụ hành khách, nghĩa vụ của hãng hàng không đối với các chuyến bay bị chậm, bị hủy theo Thông tư 36 và mới nhất là Thông tư 14. Đối với các chuyến bay chậm, các hãng đã chủ động thông báo những thay đổi về giờ bay đến hành khách một cách nhanh chóng, kịp thời, phát thanh thông báo và phục vụ ăn, uống và bồi thường theo đúng quy định. Đối với các chuyến bay bị hủy, bị chuyển hướng về thời tiết xấu, các hãng đều thông báo kế hoạch cho hành khách đồng thời chuyển khách sang chuyến bay có giờ khởi hành gần nhất hoặc bố trí phương tiện đường bộ phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của hành khách đồng thời bồi thường theo đúng quy định của Quyết định 10 và Thông tư 14.
Các Cảng vụ hàng không khu vực thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát các chuyến bay bị chậm, hủy; công tác phục vụ hành khách của các hãng hàng không đồng thời phối hợp với các hãng hàng không và các cảng hàng không giải tỏa thắc mắc, bức xúc của hành khách khi các chuyến bay bị chậm, hủy.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố hệ thống đường dây nóng (hotlines) của các hãng hàng không, các đơn vị và doanh nghiệp hoạt động tại cảng hàng không, người đại diện của cảng hàng không, sân bay và cảng vụ tại mỗi cảng hàng không sân bay.
* Các giải pháp giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến:
- Đối với hãng hàng không:
+ Điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; thực hiện nghiêm các nghĩa vụ của hãng trong điều kiện chậm, huỷ chuyến;
+ Rà soát, chấn chỉnh các quy trình chuẩn bị và thực hiện chuyến bay, đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn hàng không;
+ Tổ chức đánh giá năng lực hạ tầng, trang thiết bị và phục vụ mặt đất tại toàn bộ hệ thống cảng hàng không, sân bay để điều chỉnh lịch bay phù hợp.
- Đối với Tổng công ty Quản lý bay:
+ Nâng cao năng lực điều hành quản lý bay (đặc biệt trong các thời điểm thời tiết xấu), mở rộng vòng chờ và giảm phân cách giữa các tàu bay;
+ Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Hệ thống Quản lý an toàn (SMS); thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế;
+ Rà soát, nâng cao chất lượng, bổ sung lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân viên hàng không, đặc biệt là KSVKL.
- Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV):
+ Tiếp tục mở rộng, cải tiến kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực đáp ứng thực tiễn hoạt động và nhu cầu phát triển của vận chuyển hàng không;
+ Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Hệ thống Quản lý an toàn (SMS), Tổ An toàn đường cất hạ cánh; thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu khai thác đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế;
+Tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo khí tượng tại sân bay; rà soát, nâng cao chất lượng, bổ sung lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân viên hàng không;
+ Giảm tần suất phát thanh về chậm chuyến bay và sử dụng các hình thức thông tin khác để chuyển tải tới hành khách thông tin về chậm chuyến bay;
+ Lắp đặt các quầy làm thủ tục tự động (kios checkin) tại các khu vực thuận tiện trong nhà ga để khuyến khích hành khách sử dụng hình thức này;
- Đối với Cảng vụ hàng không:
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị các các chuyến bay, có các quy trình giám sát cụ thể, chi tiết rõ ràng cho từng kíp trực, niêm yết thông tin về số điện thoại đường dây nóng của Cảng vụ hàng không và quy định về quyền lợi của hành khách trường hợp chuyến bay chậm, hủy tại các vị trí dễ nhận biết và đặc biệt là việc giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà vận chuyển đối với các chuyến bay chậm, hủy./.