Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống mất cắp tại cảng hàng không, sân bay

Thứ Hai, 24/08/2015 - 12:07 GMT+7

Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công văn 3798/HD-CHK gửi các đơn vị trong ngành Hàng không hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng, chống mất cắp tại cảng hàng không, sân bay.

 
alt image
Các đơn vị trong ngành Hàng không tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không
Thời gian qua, việc phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không đã có bước chuyển biến ban đầu. Tuy nhiên, việc triển khai của các đơn vị chưa đồng đều, chưa tạo được bước chuyển biến cơ bản nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này, vì vậy việc mất cắp tài sản tại các cảng hàng không, sân bay vẫn xảy ra. Do đó, để tiếp tục thực hiện việc phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) hướng dẫn các đơn vị thực hiện thống nhất một số nội dung sau:
1. Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam:
1.1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chi tiết việc triển khai thực hiện Kế hoạch 1268/CHK-ANHK ngày 17/3/2015 của các cơ quan đơn vị và triển khai thực hiện; thời gian hoàn thành trước 10 tháng 8 năm 2015.  
1.2. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại cảng:
+ Phân định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa; xem xét, đánh giá, quy trách nhiệm của đơn vị khi xảy ra vụ việc mất cắp;
+ Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ các cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát theo Kết luận số 3365/KL-CHK ngày 06/7/2015 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam tại Hội nghị triển khai việc thực hiện Kết luận số 549/TB-BGTVT ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về giải pháp chống mất cắp hành lý vận chuyển hàng không.
+ Lập các “Hòm thư tố giác hành vi trộm cắp tài sản” tại các vị trí thuận tiện cho việc tố giác tội phạm của người lao động và hành khách. Hàng tuần tiến hành kiểm tra hòm thư để kịp thời kiểm tra, xác minh các đơn thư tố giác.
+ Theo dõi, đôn đốc các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ hành lý, hàng hóa trong đó gắn trách nhiệm của nhân viên, của đội ngũ cán bộ các bộ phận đến người lãnh đạo các đơn vị.
+ Tổ chức kiểm tra trực quan đột xuất đối với nhân viên an ninh, bốc xếp, vệ sinh, lái xe ngay sau khi hoàn thành công việc bốc xếp tại cửa hầm hàng tàu bay, khu vực phân loại hành lý, tại điểm kiểm tra an ninh ra vào sân đỗ tàu bay, khu bay; kiểm tra đột xuất tủ đựng đồ cá nhân của các bộ phận trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa và vị trí tập kết rác để phân loại của bộ phận vệ sinh tàu bay, khu vực tập kết trang thiết bị phục vụ hành lý, hàng hóa…
1.3. Giám sát chặt chẽ việc xử lý, giải quyết các khiếu nại, phản ảnh của khách bị mất tài sản trong hành lý, hàng hóa. Xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình phục vụ hành khách, hành lý, hàng hoá nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, kỷ luật, kỷ cương của nhân viên hàng không.
1.4. Khi phát hiện vụ việc nhân viên hàng không có hành vi trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản của hành khách để quên phải tiến hành thu Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay, tạm thời đình chỉ hoạt động của nhân viên hàng không liên quan để điều tra, làm rõ; phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, xác minh; xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan công an điều tra làm rõ; theo dõi chặt chẽ, liên tục quá trình điều tra, xử lý của cơ quan công an để nắm tình hình, phối hợp và có kiến nghị xử lý thích hợp theo đúng quy định của pháp luật. Đối với vụ việc liên quan đến chuyến bay quốc tế, Cảng vụ phải gửi văn bản đến cơ quan Hải quan, Quản lý xuất nhập cảnh tại cảng đề nghị phối hợp, hỗ trợ trong quá trình điều tra, xác minh; kịp thời báo cáo Cục Hàng không Việt Nam những trường hợp vướng mắc để xử lý.
1.5. Hàng ngày phải cử cán bộ kiểm tra, giám sát các khu vực băng chuyền, đảo hành lý, khu vực kiểm tra, giao nhận hành lý, hàng hóa…kịp thời báo cáo Cục Hàng không Việt Nam các vụ việc liên quan đến trộm cắp tài sản.
1.6. Hàng tháng Cảng vụ hàng không phải cử cán bộ có chuyên môn để phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trong việc nắm tình hình địa bàn và nắm thông tin các đối tượng có nghi vấn.
2. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam:
2.1. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ thống hàng rào an ninh tại các cảng hàng không, sân bay theo Đề án nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý kết cấu hạ tầng hàng không (Ban hành theo Quyết định số 2985/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải). Đầu tư lắp đặt bổ sung camera giám sát tại các Cảng hàng không, sân bay thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2015.
2.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kết luận số 549/TB-BGTVT ngày 22/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về giải pháp chống mất cắp hành lý vận chuyển bằng đường hàng không và Kế hoạch phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của các cảng.
3. Các cảng hàng không, sân bay:
3.1. Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Kế hoạch 1268/CHK-ANHK ngày 17/3/2015 của Cục Hàng không Việt Nam và triển khai thực hiện; thời gian hoàn thành trước 10 tháng 8 năm 2015. Kế hoạch gửi về Cảng vụ hàng không để phối hợp kiểm tra, giám sát.
3.2. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề về phòng, chống mất cắp tài sản và tố giác tội phạm. Hàng tháng tổ chức sơ kết biểu dương khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở các tổ chức cá nhân thực hiện chưa tốt các quy định.
3.3. Chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp phòng chống mất cắp hành lý, hàng hóa giữa các cơ quan, đơn vị liên quan tại cảng, phân định rõ trách nhiệm, trong đó có xác định trách nhiệm cá nhân lãnh đạo các cấp từ ca, kíp, tổ đội cho đến người đứng đầu đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát để xử lý nếu để xảy ra mất cắp tại vị trí giám sát của mình; các biện pháp đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị trong toàn bộ dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa; công tác thông tin, báo cáo khi xảy ra vụ việc….
3.4. Ban hành quy định cụ thể danh mục các đối tượng được phép ra vào cho từng cổng, cửa, lối đi cụ thể, người phương tiện vào cửa nào phải ra tại cửa đó, không đi chung với lối đi của hành khách, trừ những trường hợp đặc biệt; quy định các loại nhân viên không được mang theo người và sử dụng điện thoại di động khi vào làm việc tại các khu vực hạn chế.
3.5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ các cấp tại các điểm kiểm tra an ninh, khu vực băng chuyền, đảo hành lý, hầm hàng tàu bay, khu vực phục vụ hàng hoá.
3.6. Thành lập các Tổ kiểm tra đặc biệt (mặc thường phục hoặc mặc trang phục hoá trang thích hợp) tổ chức tuần tra, kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất nhân viên ANHK và nhân viên các đơn vị trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa hoặc mật phục theo dõi giám sát phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, trộm cắp, không thực hiện đúng quy trình, quy định.
3.7. Nhân viên an ninh giám sát an sân đỗ, tàu bay và đảo hành lý tiến hành kiểm tra trực quan nhân viên bốc xếp tại hầm hàng tàu bay, đảo hành lý, nhân viên lái xe đầu kéo, nhân viên vệ sinh tàu bay sau khi kết thúc công việc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lấy cắp, chiếm đoạt tài sản của hành khách.
3.8. Rà soát điều chỉnh các lối đi nội bộ; tăng cường nhân viên nữ tại các lối đi nội bộ tiến hành kiểm thể 100% người ra/vào tại lối đi nội bộ; lập sổ theo dõi đồ vật mang vào/ra tại các lối đi nội bộ.
3.9. Khi có thông tin về việc mất cắp tài sản hành lý, hàng hóa phải ngay lập tức phong tỏa toàn bộ khu vực và kiểm tra các khu vực có khả năng cất giấu; kiểm tra trực quan 100% tại các cổng cửa, lối đi nội bộ. Phối hợp với Cảng vụ hàng không và các đơn vị phục vụ hành lý, hàng hóa, các hãng hàng không nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ.
3.10. Chủ trì thống nhất với các đơn vị phục vụ hàng hóa, hành lý khảo sát đánh giá xác định vị trí tập trung gửi đồ dùng cá nhân của nhân viên bốc xếp, vệ sinh, lái xe đầu kéo phục vụ hành lý, hàng hoá trước khi vào khu vực hạn chế và quy định về giám sát tại khu vực đó.
3.11. Thực hiện luân chuyển ngẫu nhiên, đột xuất vị trí làm việc của nhân viên an ninh hàng không (từ điểm kiểm tra an ninh này sang điểm kiểm tra an ninh khác) và tổ chức kiểm tra chéo giữa các tổ, đội an ninh để ngăn ngừa khả năng thông đồng, móc nối thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
3.12. Phối hợp với Cảng vụ hàng không và các đơn vị phục vụ hàng hóa, phục vụ mặt đất tiến hành kiểm tra đột xuất tủ đựng đồ cá nhân, vị trí tập kết rác để phân loại của bộ phận vệ sinh tàu bay, khu vực tập kết trang thiết bị phục vụ hành lý, hàng hóa.
3.13. Xây dựng quy trình kiểm soát an ninh nội bộ trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác đấu tranh phòng chống mất cắp tài sản hành lý, hàng hóa;  rà soát đánh giá lại toàn bộ số nhân viên an ninh liên quan trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa; thực hiện thẩm tra xác minh nhân thân trước khi tuyển dụng và khi có biểu hiện nghi ngờ.
4. Các công ty phục vụ mặt đất, phục vụ hàng hoá, các Trung tâm phục vụ mặt đất của Jetstar Pacific Airlines:
4.1. Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Kế hoạch 1268/CHK-ANHK ngày 17/3/2105 hoàn thành trước ngày 10/8/2015, trong đó phân định rõ trách nhiệm cán bộ các cấp từ ca, kíp, tổ đội đến người đứng đầu đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát và để xử lý nếu để xảy ra mất cắp hành lý, hàng hóa. Gửi bản kế hoạch chi tiết về Cảng vụ hàng không và Trung tâm an ninh để kiểm tra, giám sát và phối hợp thực hiện.
4.2. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải “Hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không”.
 4.3. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề về phòng, chống mất cắp tài sản và tố giác tội phạm. Hàng tháng tổ chức sơ kết biểu dương khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở các tổ chức cá nhân thực hiện chưa tốt các quy định.
4.4. Tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên của đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thẩm tra, xác minh nhân thân trước khi tuyển dụng người lao động. Thường xuyên tiến hành rà soát đánh giá đối với tất cả nhân viên liên quan đến công tác phục vụ hành lý, hàng hóa và thực hiện định kỳ đánh giá, phân loại để bố trí công việc phù hợp. Các trường hợp có những biểu hiện nghi vấn về sinh hoạt, chi tiêu, quan hệ như cờ bạc, lô đề, nghiện hút, vay nợ lãi, cá độ, ý thức tổ chức, kỷ luật kém, bất minh chi tiêu v.v… phải lập danh sách và tiến hành theo dõi, thẩm tra, xác minh làm rõ và không bố trí vào vị trí trực tiếp tiếp xúc với hành lý, hàng hoá. Cung cấp danh sách trên cho người đứng đầu Cảng vụ hàng không tại cảng và Giám đốc Trung tâm an ninh hàng không để phối hợp theo dõi, thẩm tra, xác minh làm rõ. Danh sách phải được quản lý, lưu trữ như tài liệu mật chỉ những người có thẩm quyền mới được biết để không ảnh hưởng tới danh dự người lao động.
4.5. Bố trí, tiến hành luân chuyển lực lượng lao động trực tiếp tại các ca, kíp, tổ, đội… theo nguyên tắc không duy trì các ca, kíp cố định trong thời gian dài nhằm loại bỏ các hiện tượng thông đồng, móc nối thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
4.6. Rà soát quy định về hợp đồng lao động của đơn vị đối với nhân viên bốc xếp, vệ sinh tàu bay theo hướng ký ngay hợp đồng dài hạn đối với các trường hợp có ý thức kỷ luật tốt, trung thực…không để hợp đồng ngắn hạn kéo dài nhằm tạo môi trường, động lực để người lao động phấn đấu. Đối với lao động thời vụ các đơn vị phải có kế hoạch cụ thể và lập danh sách thông báo cho Cảng vụ hàng không biết để kiểm tra, giám sát. Rà soát quy định về tiền lương, thưởng, bồi dưỡng… để sửa đổi, bổ sung phù hợp trên nguyên tắc khuyến khích người lao động làm việc trực tiếp và phù hợp với mặt bằng thu nhập theo vị trí công việc giữa các đơn vị.
4.7. Rà soát toàn bộ quy trình, nội quy, quy định liên quan đến việc giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý, hàng hoá trong dây chuyền phục vụ để sửa đổi, bổ sung trong đó quy định rõ trách nhiệm, hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm liên đới của đội ngũ cán bộ các tổ, đội, ca kíp … đến người đứng đầu cơ quan đơn vị khi để xảy ra mất cắp hành lý, hàng hóa, trách nhiệm liên đới của đội ngũ cán bộ các cấp. Các quy trình trên phải được gửi về Cảng vụ hàng không và Trung tâm an ninh hàng không để kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận.
4.8. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ các cấp; phối hợp với lực lượng an ninh giám sát sân đỗ, tàu bay thực hiện kiểm tra trực quan 100% nhân viên bốc xếp, vệ sinh tàu bay khi làm xong công việc tại cửa tàu bay, cửa hầm hàng và khu vực phân loại hành lý.
4.9. Bổ sung hệ thống camera giám sát di động đảm bảo hành lý, hàng hóa được giám sát liên tục từ khi tiếp nhận từ hành khách đến khi đưa vào hầm hàng tàu bay và từ hầm hàng tàu bay đến khi hành khách nhận hành lý, hàng hóa; ưu tiên sử dụng hệ thống camera hồng ngoại để quan sát ban đêm, thời gian hoàn thành trong tháng 8 năm 2015. Lắp đặt thêm camera giám sát tại khu vực tủ đựng đồ cá nhân; tủ đựng đồ cá nhân giao chìa khóa cho cán bộ quản lý để mở trước và sau khi nhân viên kết thúc nhiệm vụ.
4.10. Ban hành quy định về đồ vật cá nhân, tiền bạc … được phép mang vào khu vực hạn chế; gửi Cảng vụ hàng không, Trung tâm an ninh hàng không để kiểm tra, giám sát.
4.11. Triển khai may trang phục của nhân viên bốc xếp, vệ sinh, lái xe đầu kéo hành lý, hàng hoá không có túi; áo có số kể cả áo phản quang để thuận lợi cho việc quan sát, xác định khi cần thiết.
4.12. Định kỳ phân tích, đánh giá các vụ việc để tìm nguyên nhân và đưa ra những biện pháp thích hợp nhằm đối phó hiệu quả với tình trạng mất cắp tài sản trong hành lý, hàng hoá.
5. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Facific, Vasco:
5.1. Rà soát lại quy trình, nội quy, quy định của đơn vị trong đó quy định rõ trách nhiệm của tiếp viên trong việc giám sát hành khách trên tàu bay không để hành khách lấy trộm đồ trong hành lý, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế.
5.2. Mở đợt cao điểm tuyên truyền cho hành khách về các quy định vận chuyển đồ vật có giá trị cao trong hành lý ký gửi; các quy định, thủ tục khai báo, khiếu kiện và đền bù trong trường hợp bị mất mát, thất lạc hành lý trong quá trình vận chuyển. Khuyến cáo hành khách khi làm thủ tục không để đồ vật có giá trị cao trong hành lý ký gửi, hành lý nên có khoá.
5.3. Phối hợp chặt chẽ với các đối tác tại các cảng hàng không nước ngoài có liên quan để trao đổi, kiểm tra, xác minh kịp thời các trường hợp khách khiếu nại, phản ảnh bị mất tài sản trong hành lý, hàng hoá trên các chuyến bay quốc tế và bảo đảm quyền lợi của hành khách.
6. Công tác thống kê, báo cáo:
6.1 Báo cáo khi xảy ra vụ việc.
6.1.1. Đơn vị tiếp nhận khiếu nại, phản ảnh của hành khách về việc mất tài sản để trong hành lý/hàng hóa, hành lý/hàng hóa bị thất lạc và phát hiện vụ việc nhân viên hàng không trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của hành khách phải báo ngay cho Cảng vụ hàng không và An ninh hàng không tại cảng qua số điện thoại trực ban chậm nhất là 10 phút kể từ khi nhận được khiếu nại của hành khách, phát hiện mất tài sản để trong hành lý/hàng hóa, hành lý/hàng hóa bị thất lạc hoặc phát hiện vụ việc nhân viên hàng không trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của hành khách.
6.1.2. Cảng vụ hàng không, An ninh hàng không tại cảng hàng không và các đơn vị phục vụ hành lý, hàng hóa, đại diện các hãng hàng không tại cảng phải công bố số điện thoại trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, báo cáo về việc mất hành lý, hàng hóa
6.2 Thống kê, báo cáo định kỳ hàng tuần, tháng
6.2.1 Đối với các cảng hàng không trực tiếp phục vụ hành khách hành lý, hàng hóa  cho các hãng hàng không lập thống kê theo Bảng 1, Bảng 3 hàng tuần gửi báo cáo thống kê cho cảng vụ tại cảng trước 12h00 ngày thứ 6.
6..2.2  Đối với các cảng hàng không mà việc phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa cho các hãng hàng không do công ty phục vụ mặt đất thực hiện thì  công ty phục vụ mặt đất lập thống kê theo Bảng 1, Bảng 5; các công ty phục vụ hàng hóa thống kê theo Bảng 3, Bảng 5 hàng tuần gửi báo cáo thống kê cho cảng vụ tại cảng trước 12h00 ngày thứ 6; Cảng hàng không lập thống kê theo Bảng 5 hàng tuần gửi báo cáo thống kê cho cảng vụ trước 12h00 ngày thứ 6.
6.2.3. Đối với các hãng hàng không trực tiếp phục vụ hành khách, hành lý, hàng hóa cho mình, đơn vị phục vụ hành lý hàng hóa của hãng tại cảng lập thống kê theo Bảng 1, Bảng 3, Bảng 5 hàng tuần gửi báo cáo thống kê cho cảng vụ tại cảng trước 12h00 ngày thứ 6.
6.2.4. Hàng tháng, Đại diện cảng vụ hàng không tại các cảng tổng hợp lập thống kê theo Bảng 2, Bảng 4, Bảng 5 gửi về Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam  tổng hợp lập thống kê theo Bảng 2,  Bảng 4, Bảng 5 tại từng cảng hàng không đính kèm vào Báo cáo công tác an ninh tháng gửi Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 23 hàng tháng. 
6.2.5 Các Hãng hàng không Việt Nam hàng tháng lập thống kê theo Bảng 2, Bảng 4, Bảng 5 đính kèm vào Báo cáo công tác an ninh tháng gửi Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 23 hàng tháng.
6.3. Cảng vụ hàng không theo dõi, đôn đốc công tác thống kê, báo cáo của các đơn vị, khuyến cáo và xử lý kịp thời các đơn vị không thực hiện đúng quy định về thống kê báo cáo; thống kê báo cáo Cục Hàng không Việt Nam kịp thời, đúng thời gian quy định./.