Vận động ngoại giao đấu tranh giành lại quyền kiểm soát FIR Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 22/11/2014 - 21:08 GMT+7

 Đợt vận động bắt đầu tiến hành từ đầu cuối năm 1991. Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng đề án vận động ngoại giao. Trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phân loại đối tượng vận động, kế hoạch thời gian ... Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cụ thể hóa và phát triển những nội dung vận động trong Đề án.

Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1977, Nhà nước ta đã có chủ trương đấu tranh giành lại quyền kiểm soát Vùng thông báo bay Sài Gòn cũ và đổi tên thành Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Cuối 1977, Chủ tịch Hội đồng ICAO, Tiến sĩ Assad Kotaite, thăm Việt Nam đàm phám với Tổng cục Hàng không Dân dụng Việt Nam mở lại đường bay A1 (trục từ Băng Cốc đi Hồng Công và ngược lại). ICAO cam kết tạo điều kiện giúp Việt Nam khôi phục lại FIR HCM, tăng cường giúp đỡ kỹ thuật thông qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ cho ngành Hàng không Việt Nam như  dự án VIE/78/002 về viện trợ kỹ thuật với số vốn đầu tư mua thiết bị chuyên ngành gần 4 triệu đôla Mỹ.
 
alt image
Chụp tại phòng làm việc của Chủ tịch Hội đồng ICAO, Mông-rê-an, Ca-na-đa, năm 1992. Hàng đầu từ trái sang:ông Doãn Khắc Mạnh-Phó Giám đốc Công ty Quản lý bay, ông Nguyễn Hồng Nhị-Cục trưởng Cục HKDDVN, TS. Assad Kotaite-Chủ tịch Hội đồng ICAO, ông Lưu Văn Lợi-Cố vấn Ban biên giới Hội đồng Bộ trưởng, ông Phạm Vũ Hiến-Trưởng ban Quan hệ quốc tế, ông Đặng Nghiêm Bái-Đại sứ VN tại Ca-na-đa - Ảnh: Dungpv.
Thời gian này, bối cảnh chung đất nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Mỹ đang siết chặt vòng vây cấm vận đối với Việt Nam. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý bay do ta khai thác vừa thiếu đồng bộ, vừa lạc hậu, các thiết bị kỹ thuật thuộc diện “chiến lợi phẩm” thu được sau giải phóng miền Nam bắt đầu xuống cấp và thiếu vật tư, phụ tùng thay thế, ngành Hàng không Việt Nam chưa đủ điều kiện tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì các dự án do quốc tế tài trợ cho chúng ta lúc là rất quý báu và cần thiết.
Năm 1980, ông Trần Mạnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng, dẫn đầu đoàn Việt Nam lần đầu tiên tham dự kỳ họp Đại hội đồng ICAO lần thứ 23. Tại kỳ họp này, ICAO ủng hộ việc giao lại quyền quản lý FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam và cam kết giúp Hàng không Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân viên kỹ thuật, quản lý hàng không.
Năm 1981, chuyên gia ICAO phối hợp với Tổng cục Hàng không dân dụng xây dựng đề án tối thiểu để quản lý FIR HCM nhưng do tình hình kinh tế xã hội của nước ta có nhiều khó khăn, đề án này không được chấp nhận mà chuyển qua con đường tranh thủ viện trợ kỹ thuật của Liên Xô.
Năm 1982, chính phủ Việt Nam ký với UNDP/ICAO đề án “Khôi phục các vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, Hà Nội và phát triển Hàng không dân dụng Việt Nam” tập trung vào biên soạn các tài liệu khai thác các trung tâm kiểm soát không lưu, trung tâm thông tin hàng không theo đúng quy tắc quốc tế.
Vào thời điểm này, cuộc đấu tranh tranh giành lại quyền kiểm soát Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh diễn biến có nhiều khó khăn phức tạp, đặc biệt là tình hình chính trị trong khu vực.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, sự hiểu biết và nắm vững các quy tắc tiêu chuẩn quốc tế của chúng ta còn hạn chế. Mặc dù có thiện chí ủng hộ, cùng với sự giúp đỡ của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, đã có rất nhiều dự án được thực hiện với mục đích khôi phục lại Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Do những khó khăn nêu trên, đến năm 1982 mục tiêu giành lại vùng thông báo bay Hồ Chí Minh của Việt Nam vẫn không thực hiện được.
Đợt vận động bắt đầu tiến hành từ đầu tháng 12/1991. Bộ Ngoại giao đã chủ trì xây dựng đề án vận động ngoại giao. Trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phân loại đối tượng vận động, kế hoạch thời gian ... Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cụ thể hóa và phát triển những nội dung vận động trong Đề án. Bộ Ngoại giao phối hợp với Cục Hàng không Dân dụng thông qua đường ngoại giao liên hệ chính phủ các nước sắp xếp kế hoạch cho đoàn hàng không của ta đi vận động hoặc mời đoàn hàng không của họ vào thăm Việt Nam để ta tranh thủ vận động. Cục Hàng không Dân dụng chủ trì thành lập đoàn đi vận động.
Từ 15-18/9/1992, Bộ Ngoại giao đã tiến hành tiếp xúc, trao công hàm vận động đại sứ quán, cơ quan đại diện các nước ngoài tại Hà Nội; đồng thời, đã chỉ đạo các đại sứ quán, cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài phối hợp ủng hộ Việt Nam khôi phục toàn quyền quản lý các vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ta tiến hành trao đổi công hàm với 28 nước và tổ chức quốc tế, theo 4 đối tượng: các nước trong khu vực, các nước có đường bay trực tiếp qua khu vực FIR, các tổ chức quốc tế liên quan, đặc biệt là ICAO, các nước có quan hệ hàng không trực tiếp với Việt Nam.
 
alt image
Phó Cục trưởng Cục HKDDVN Đào Mạnh Nhương (thứ 4 từ trái sang) dẫn đầu đoàn làm việc với Nhà chức trách hàng không In-đô-nê-xia năm 1993. 
Khi nhận công hàm, nghe ta trình bày hoặc trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao sau đó, đại diện các nước liên quan đều tỏ ra quan tâm tới vấn đề này, một số hứa sẽ phối hợp với Đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng ICAO lần thứ 29. Tổng số 17 nước.
Trong số các nước nói trên, 7 nước đã phát biểu ủng hộ lập trường của Việt Nam về vấn đề này, tuy nhiên mức độ có khác nhau.
Đồng thời, trong thời gian đó Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam tiến hành vận động các nước trong khu vực, ICAO khu vực và các tổ chức quốc tế như IATA, IFALPA …
Trong tiếp xúc với đại diện ICAO, TS. Assad Kotaite, Chủ tịch Hội đồng ICAO đã bày tỏ tình cảm của ông đối với Việt Nam. Các nỗ lực mà ông và ICAO đã trợ giúp Việt Nam là trang thiết bị, đào tạo cán bộ từ năm 1978, cũng như việc ông chủ trương giữ nguyên trạng FIR Hồ Chí Minh tại Hội nghị Không vận khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 (RAN 2-1983).
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, mọi vấn đề đều phải được giải quyết thông qua thương lượng, tránh giải quyết đơn phương, đồng thời cũng phải tính tới ý kiến của các nước liên quan khác. Ông còn nói tới những hạn chế về thiết bị kỹ thuật của Việt Nam.
Tháng 1/1993, qua các cuộc vận động trong thời gian trước cho thấy ICAO cũng như các nước đều hiểu vấn đề FIR Hồ Chí Minh là một vấn đề chính trị-chủ quyền quan trọng chứ không thuần túy là kỹ thuật.
 
alt image
Phó Cục trưởng Cục HKDDVN Đào Mạnh Nhương tặng quà lưu niệm cho đại diện Nhà chức trách hàng không Phi-líp-pin năm 1993. Người đầu tiên bên trái là ông Nguyễn Bá Sơn-Chuyên viên Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao - Ảnh: Dungpv.
Trong tình hình đó, các nước không liên quan trực tiếp đến FIR Hồ Chí Minh đều dè dặt, tránh thể hiện quan điểm công khai và tránh làm phật ý Việt Nam. Một số nước lộ ý chưa thật tin vào khả năng kỹ thuật của ta. Họ muốn để các nước liên quan trực tiếp đến FIR Hồ Chí Minh đàm phán thỏa thuận với nhau trước (thông qua ICAO) rồi mới có quan điểm chính thức.
Theo đề nghị của ICAO, trong thời gian tháng 2-3/1993, đã diễn ra các cuộc họp giữa Việt Nam, ICAO và các nước liên quan trực tiếp đến FIR Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị cho các cuộc họp này, các ngành hữu quan như Giao thông vận tải, Hàng không, Quốc phòng, Nội vụ, Biên giới và Ngoại giao đã tích cực nghiên cứu các phương án vận động mới ở cấp cao hơn trong trường hợp cuộc đàm phán giữa các nước liên quan trực tiếp đến FIR Hồ Chí Minh (do ICAO tổ chức) bị bế tắc.
Sau quá trình vận động, tháng 2/1993 các cơ quan Nhà nước đã tổ chức họp thông qua đề án cuối cùng tham dự Hội nghị RAN 3.
Hội nghị RAN 3 diễn ra trong bối cảnh Mỹ vẫn còn cấm vận Việt Nam, tình hình quốc tế phức tạp. Tuy Việt Nam chưa giành lại hoàn toàn FIR Hồ Chí Minh như trước đây, nhưng chúng ta đã giành được thắng lợi hết sức quan trọng, đã thay thế hoàn toàn Kế hoạch tạm thời của ICAO năm 1975, cộng đồng HKDD quốc tế cũng thừa nhận sự đầu tư của Nhà nước Việt Nam và sự tiến bộ của ngành HKDD Việt Nam đã đủ điều kiện và thực sự hội nhập với hàng không dân dụng quốc tế về không vận.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị RAN 3 do ông Nguyễn Hồng Nhị, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam dẫn đầu và 17 thành viên.
Sau hơn 18 năm đấu tranh cam go, căng thẳng, bền bỉ, khôn khéo và cương quyết, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện của Bộ Chính trị và Chính phủ cả trên phương diện ngoại giao; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không; đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay vững về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, cán bộ, công nhân viên; ý thức trách nhiệm, tình thần đoàn kết, thống nhất của các thành viên trong Đoàn tham dự hội nghị RAN 3 và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sự công nhận của các hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay đi, đến thường lệ hoặc quá cảnh qua Việt Nam, ngành HKDD Việt Nam nói chung và Quản lý bay Việt Nam nói riêng đã đấu tranh thắng lợi giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Ngay sau RAN 3, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cùng với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tham gia giải quyết các vấn đề còn đang tranh chấp về ranh giới phía bắc FIR Hồ Chí Minh; tổ chức tiếp xúc với các trung tâm kiểm soát đường dài kế cận để giải quyết vấn đề thoả thuận thư hiệp đồng kiểm soát không lưu và mạng trực thoại.
 
alt image
Cục trưởng Cục HKDDVN Nguyễn Hồng Nhị làm việc với TS. Assad Kotaite-Chủ tịch Hội đồng ICAO tại trụ sở ICAO Mông-rê-an, Ca-na-đa, tháng 9 năm 1996.
Từ tháng 4/1994, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam chuẩn bị và thực hiện công tác đối nội, đối ngoại, pháp lý cho việc tiếp nhận, chỉ đạo bảo đảm chất lượng cao các hoạt động dịch vụ kỹ thuật và điều hành sau khi tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Tiến hành các cuộc gặp gỡ và làm việc song phương để phối hợp với các Trung tâm kiểm soát đường dài Băng Cốc và Xinh-ga-po trong việc chuyển giao và tiếp nhận các vùng trách nhiệm tạm thời Băng Cốc và Xinh-ga-po và các trung tâm kiểm soát đường dài kế cận.
Đăng cai tổ chức Hội nghị hiệp đồng không lưu trong FIR Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Văn phòng ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 23/9/1994 nhằm xem xét các vấn đề kỹ thuật và khai thác liên quan đến việc chuyển giao trách nhiệm cung cấp các dịch vụ đảm bảo hoạt động bay của FIR Hồ Chí Minh.
Các đoàn đại biểu tham dự hội nghị sau khi tham quan hạ tầng cơ sở quản lý không lưu, dẫn đường, thông tin liên lạc, ra đa giám sát, khí tượng của Việt Nam đã khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng để tiếp nhận quản lý điều hành phần phía nam FIR Hồ Chí Minh vào ngày 08/12/1994.
Đánh giá chung, đây là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao tổng lực trong quá trình thoát khỏi cấm vận và hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự phối hợp khăng khít giữa ngành Hàng không với các ngành hữu quan. Hội nghị RAN 3 nói riêng và cộng đồng hàng không nói chung đã xác lập một cách đầy đủ nhìn nhận quốc tế về năng lực điều hành bay của Việt Nam và sự trưởng thành của ngành Hàng không Việt Nam. /.
Việt Dũng