Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, bảo đảm giữ vững cân đối ngân sách nhà nước

Thứ Năm, 05/09/2024 - 11:02 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về điều hành dự toán ngân sách nhà nước.

Tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; các Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2024, 14/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024, Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế đối với nhà, đất; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, khai thác các nguồn thu còn dư địa, mở rộng cơ sở thu mới.


Đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài, triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là dịch vụ ăn uống... Trên cơ sở đó, phấn đấu thu NSNN năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu NSNN năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.


Tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân.


Phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ. Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (sau khi loại trừ các khoản chi tương tự như năm 2024 đã được quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ) để dành nguồn giảm bội chi NSNN hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng Bộ, cơ quan, địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển.


Thực hiện chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; cắt giảm dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024 chưa phân bổ cho các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép) theo Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ.


Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công.


Khẩn trương thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 104/2023/QH15, Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội, rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31 tháng 12 năm 2024. Trong quá trình thực hiện việc sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm đảm bảo duy trì hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chế độ chung do Nhà nước quy định.


Các địa phương thực hiện chi NSNN theo dự toán được giao và khả năng thu theo phân cấp

Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, kết dư ngân sách và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.


Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương không đạt dự toán, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo Hội đồng nhân dân giải pháp xử lý để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương như sau: (i) chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương; (ii) cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách,...). Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu, thì phải rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi, trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết biến động lớn.


Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 58 của Luật Ngân sách nhà nước và khoản 1, Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.


Bảo đảm nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, trả lương, chính sách an sinh xã hội

Tiếp tục điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát bội chi NSNN, nợ công trong phạm vi cho phép.


Quyết liệt hơn nữa triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ. Điều hành ngân sách đảm bảo nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, trả lương, chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách phát sinh.


Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 15 tháng 9 năm 2024 về dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng làm cơ sở trình cấp thẩm quyền thực hiện phân bổ dự toán chi thường xuyên còn lại năm 2024.


Tổng hợp số cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để báo cáo Chính phủ, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ…/.