Theo đó, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian qua đã tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập như: thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên tham gia hoạt động đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; năng lực cán bộ còn hạn chế; còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định.
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát các văn bản quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc phạm vi quản lý (nếu có) để kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu, Thủ tướng yêu cầu một số Bộ, Ngành, doanh nghiệp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kiến nghị, xử lý vi phạm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng; đăng tải đầy đủ thông tin đúng trách nhiệm và thời hạn theo quy định của pháp luật về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tối ưu hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin tới các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền, chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình (như xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đấu thầu trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan; chủ động bố trí nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu để nâng cao nghiệp vụ về đấu thầu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước./.