Cảng hàng không quốc tế Liên Khương khi đóa hoa Dã quỳ bung sắc gần xa

Thứ Năm, 20/06/2024 - 14:38 GMT+7

Việc trở thành cảng hàng không quốc tế sẽ là một dấu mốc đặc biệt, không chỉ với hoạt động khai thác hàng không, với ngành giao thông vận tải, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Tây Nguyên.

Cảng hàng không Liên Khương nằm trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa, huyện  Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng - địa phương có tiềm năng rất lớn về sản xuất, chế biến nông lâm sản và phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nổi bật trong đó là những sản  vật như Sâm Ngọc linh, Atiso và Thành phố du lịch Đà Lạt.


Với vai trò là đầu mối giao thông đường hàng không, Cảng hàng không Liên Khương có vị trí quan trọng  trong việc phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của địa phương nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, kết nối giao thương, văn hóa và du lịch đến các khu vực khác trong cả nước và các quốc gia có đường hàng không khai thác. Bên cạnh   đó, Cảng hàng không Liên Khương còn có vị trí trọng yếu trong nhiệm vụ bảo vệ  an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên, vùng Nam Trung bộ và Nam bộ.


Về lịch sử hình thành, Cảng hàng không Liên Khương được Pháp xây dựng năm 1933, ban đầu có tên gọi là Liên Khàng với đường hạ cất cánh bằng đất   dài 700m. Đến năm 1945, quân đội viễn chinh Nhật sửa lại để phục vụ cho mục đích quân sự.


Từ năm 1956 – 1960, Mỹ tu sửa hoàn chỉnh hơn với những cơ sở hạ tầng cơ bản, công suất khoảng 50.000 khách/năm và 100 hành khách giờ cao điểm, đồng thời đổi tên thành Liên Khương. Từ năm 1975-1980, Cảng hàng không Liên Khương được quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành.


Giai đoạn  năm 1981-1992, cảng có hoạt động khai thác dân dụng với đường bay Tp Hồ Chí  Minh-Đà Lạt với tần suất 1 chuyến/tuần và hoạt động khai thác bắt đầu tăng dần từ năm 1992. Giai đoạn 1996 - 1998, khu vực sân bay được đầu tư kéo dài thêm đường hạ cất cánh, nâng cấp hệ thống lưới điện, mở rộng phòng cách ly nhà ga để  đáp ứng nhu cầu khách bay ngày một tăng.


Đến năm 2006, theo Quyết định số 1375/QĐ-BGTVT ngày 27/6/2006 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Liên Khương giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2025, Cảng hàng không Liên Khương được xác định là cảng hàng không nội địa có hoạt động bay quốc tế.

(Cảng hàng không quốc tế Liên Khương).

Về hiện trạng hạ tầng, Cảng hàng không Liên Khương là cảng hàng không cấp 4D, với 01 đường hạ cất cánh (09/27) có chiều dài 3.250m có thể tiếp nhận loại tàu bay A321/A320 với số lượng 04 tàu vào giờ cao điểm. Cảng có hai sân đỗ, gồm sân đỗ số 1 (với 14 vị trí đỗ tàu bay, trong đó có 05 vị trí đỗ tàu bay khai  thác linh hoạt) và sân đỗ số 2 (với 02 vị trí đỗ tàu bay).


Cảng hàng không Liên Khương có nhà ga hành khách được xây dựng lấy ý  tưởng từ đóa hoa Dã Quỳ - loại hoa đặc trưng của vùng cao nguyên Lâm Đồng. Nhà ga có kiến trúc độc đáo và ấn tượng, vừa hiện đại vừa đậm dấu ấn, bản sắc của địa phương. Nhà ga có tổng diện tích xây dựng 12.374 m2; gồm ga đến nội địa (5.004 m2), ga đi quốc tế (4.968 m2) và các khu vực chức năng dịch vụ khác (2.402 m2). Công suất thiết kế là 2 triệu khách/năm, 830 hành khách/giờ cao điểm (ga đi quốc nội 415 hành khách/giờ cao điểm và ga đi quốc tế 415 hành khách/giờ cao điểm).


Về hoạt động khai thác, ngoài việc phục vụ các hoạt động hàng không nội địa, Cảng hàng không Liên Khương hiện nay có phục vụ chuyến bay quốc tế. Trước thời điểm xảy ra Covid-19, sản lượng hành khách thông qua cảng luôn đạt mức công suất tối đa; trong đó, với riêng khai thác quốc tế đạt mức xấp xỉ 120 nghìn hành khách/năm.


Sau khi đại dịch được kiểm soát và hoạt động hàng không tại Việt Nam được mở cửa khai thác bình thường trở lại, cảng hàng không Liên Khương đã dần trở lại với nhịp khai thác trước đó. Năm 2023 tổng lượng hành khách đạt hơn 2,5 triệu khách tăng 25% so năm 2019 trong đó có 140 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 17,6% so năm 2019. 5 tháng đầu năm 2024, cảng hàng không Liên Khương đã đón gần 103 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2019.


Hiện tại, có 3 Hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (bao gồm đơn vị thành viên là Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airlines khai thác thường lệ các đường bay nội địa kết nối Liên Khương với Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh và và 1 hãng hàng không nước ngoài là Jeju Air (Hà Quốc) khai thường lệ đường bay quốc tế từ Incheon (Hàn Quốc) đến Liên Khương.


Bên cạnh đó các hãng hàng không Việt Nam cũng có khai thác những chuyến bay thuê chuyến không thường lệ vận chuyển quốc tế. Dự kiến trong những tháng tới đây, sẽ tiếp tục có thêm những hàng hàng không khai thác các đường bay thường lệ quốc tế đến cảng hàng không Liên Khương, như Air Asia (bay Kuala lumpur - Malaysia), Korean Air (bay Incheon), Vietjet (bay Muan - Hàn Quốc)…


Với thực tế khai thác và tiềm năng phát triển hoạt động hàng không tại cảng hàng không Liên Khương, tại Quyết định số 648/QĐ-TT ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 648), Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là một trong số 14 cảng hàng không quốc tế trong mô hình mạng cảng theo trục nan của cả nước, đạt cấp sân bay 4E, công suất 5 triệu hành khách/năm giai đoạn 2021 - 2030 và đạt 7 triệu khách/năm đến năm 2050.


Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang ở những bước cuối cùng để công bố quyết định chính thức chuyển cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế.


Đây sẽ là một dấu mốc đặc biệt, không chỉ với hoạt động khai thác hàng không, với ngành giao thông vận tải, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Tây Nguyên. Việc được nâng cấp trở thành cảng hàng không quốc tế sẽ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo thuận lợi và hành lang pháp lý cho hoạt động khai thác quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.


Với những tiềm năng, lợi thế của địa phương và khu vực hiện có, cùng nhịp độ khai thác hàng không đang trên đà tăng trưởng, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc thu hút, thúc đẩy và tăng cường hơn nữa các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.


Từ đây, những đóa hoa Dã Quỳ sẽ có cơ hội để bung sắc nhiều hơn, đến gần hơn không chỉ với du khách trong nước mà cả những du khách quốc tế gần xa./.