Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; các đồng chí lãnh đạo Báo Nhân Dân; lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia kinh tế; đại diện các hiệp hội ngành hàng không, du lịch; lãnh đạo các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, một số cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài...
Hội thảo nhằm phân tích thực trạng phát triển của ngành hàng không, du lịch hiện nay, thảo luận cùng nhau để thiết lập các sáng kiến hợp tác một cách thực chất, hiệu quả và kiến nghị Chính phủ những giải pháp mới. Từ đó góp phần đưa ngành hàng không, du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải đánh giá hội thảo được tổ chức kịp thời, đúng vấn đề đang đặt ra với ngành hàng không và du lịch Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đã nỗ lực phục hồi khai thác, nhưng chưa trở lại được so với trước đại dịch. Từ cuối năm 2023, những tác động từ chi phí đầu vào gia tăng và biến động quy mô đội tàu bay là nguyên nhân chính gây áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào giai đoạn cao điểm.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, cũng như việc phải cân đối khai thác đáp ứng nhu cầu di chuyển, về tổng thể, khai thác thị trường hàng không ghi nhận sự tăng trưởng hành khách vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế. Đây là kết quả khích lệ giao thương kết nối, đưa du khách quốc tế đến Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch và hàng không giống như đôi cánh cùng góp phần phát triển kinh tế. Hàng không có nhiều ưu thế và được coi là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương và quan hệ quốc tế. Ngành hàng không tăng trưởng, thúc đẩy du lịch và là cơ hội cho hành khách khám phá các điểm đến mới. Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của hàng không, hình thành nhu cầu cũng như dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến. Trong bối cảnh liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, rất cần thiết xây dựng kế hoạch tổng thể, cấp quốc gia để có tác động dài lâu,góp phần đưa ngành hàng không du lịch phát triển bền vững.
Trong buổi hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm đã làm rõ hơn vai trò tương hỗ của hàng không và du lịch. Phó Cục trưởng cho biết, thị trường hàng không quốc tế hiện có 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác 164 đường bay quốc tế, kết nối 33 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 6 điểm của Việt Nam là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc và Đà Lạt. Mạng đường bay quốc tế đã được khôi phục hoàn toàn như giai đoạn trước dịch Covid-19 và tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.
Đối với hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác 45 đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương, thực hiện gần 600 chuyến bay mỗi ngày. Trong đó, đường bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh được khai thác nhiều nhất với gần 43 nghìn chuyến bay (chiếm 17,5% số chuyến bay nội địa trong năm 2023). Đây cũng là đường bay được ghi nhận trong Top 10 đường bay bận rộn nhất thế giới năm 2023.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của ngành hàng không đã gặp không ít thách thức do việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu trong những tháng gần đây cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không theo một cách không mong muốn là bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay.
Ngoài ra, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác dao động khoảng 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu so với bình quân tàu bay khai thác năm 2023, nguyên nhân do việc triệu hồi động cơ Pratt&Whitney và một số hãng đang thực hiện tái cơ cấu. Các hãng trong nước phải cân đối lực lượng tàu bay khai thác nội địa và quốc tế để cạnh tranh, duy trì thị phần quốc tế với các hãng hãng nước ngoài…
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện đúng quy định về giá vận chuyển hành khách, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu, tiết giảm chi phí, triển khai các chính sách khuyến mãi, ưu đãi giá vé cho hành khách trên các đường bay nội địa phù hợp... Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và các tỉnh, thành phố để thúc đẩy và phát triển hoạt động kết nối hàng không - du lịch.
Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đang xem xét sớm tổ chức hội nghị liên ngành du lịch và hàng không để quảng bá địa điểm và sản phẩm; chia sẻ kinh nghiệm phối hợp giữa hai ngành trong phát triển kinh tế du lịch; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho ngành hàng không - du lịch... để hướng tới hành động thực chất chứ không chỉ dừng lại ở thảo luận, trong khuôn khổ hội thảo, hãng hàng không và các địa phương đã xây dựng những giải pháp tăng cường liên kết, thu hút du khách và kích cầu du lịch nội địa./.