Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ GTVT là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, người lao động làm việc trên các công trình, dự án, làm các công việc khác như: khai thác vật liệu xây dựng, duy tu quản lý, sửa chữa đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và trong các lĩnh vực vận tải phải đối diện với điều kiện làm việc thường xuyên phân tán, lưu động, công việc nặng nhọc và nguy hiểm.
Được sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, của Lãnh đạo Bộ GTVT, thời gian qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc Bộ đã quan tâm, chú trọng hơn trong việc đầu tư kinh phí, bố trí cán bộ làm công tác công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); ý thức của người sử dụng lao động, người lao động ngày càng được nâng cao; điều kiện, môi trường làm việc của người lao động được quan tâm, cải thiện hơn.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tháng 5 là tháng cao điểm đẩy mạnh các hoạt động, biện pháp, tăng cường đảm bảo ATVSLĐ. Tại buổi lễ, Thứ trưởng đã phát động "Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 của Bộ GTVT" với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc, trong hoạt động vận tải và tại các công trình, dự án của Bộ GTVT, đặc biệt là các dự án, công trình quan trọng quốc gia".
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT chung tay, đồng lòng hưởng ứng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.
Thứ trưởng cũng nhắc nhở các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ trong cơ quan, đơn vị; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa; thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ. Đồng thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy tắc nội bộ trong cơ quan, đơn vị để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; có biện pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố tai nạn lao động.
Người sử dụng lao động căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động của cơ sở.
Thực hiện tốt chính sách khám sức khỏe định kỳ, bảo hiểm và các chính sách khác theo quy định cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quan tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với nhóm lao động nữ; chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong công tác bảo đảm ATVSLĐ. Đồng thời kịp thời phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, mô hình hay, cách làm hiệu quả về công tác an toàn, vệ sinh lao động…/.